Vai trò của người đứng đầu
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ DTTS ở nước ta ngày càng tăng về số lượng, mạnh về chất lượng.
Một trong những nội dung quan trọng, đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thông qua đó là “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ….”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ người DTTS ở cấp cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa về chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS ở cơ sở, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Qua ghi nhận thực tế ở 2 xã vùng biên huyện Bố Trạch (Quảng Bình); điểm sáng ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và cách làm hay về công tác cán bộ người DTTS ở Huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) mà Báo Dân tộc và Phát triển đã thông tin ở 3 bài trước cho thấy: Nơi nào các cấp lãnh đạo, người đứng đầu chú trọng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bền bỉ thì ở đó chất lượng cán bộ người DTTS ở cơ sở tăng về chất lượng. Bên cạnh đó, nơi nào thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ người DTTS, nơi đó cán bộ người DTTS ở cơ sở còn yếu.
Giáo dục đào tạo phải đi trước một bước
Cùng với đó, muốn có nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thì vấn đề giáo dục đào tạo cần phải quan tâm, đi trước một bước. Khi vùng đồng bào DTTS có mặt bằng dân trí cao hơn, nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng hơn, khi đó mới có điều kiện tuyển dụng, bố trí, quy hoạch cán bộ người DTTS cấp cơ sở có chất lượng.
Trên thực tế, ở một số vùng sâu, vùng xa và một số thành phần dân tộc, số con em đồng bào DTTS học hết phổ thông trung học có tỉ lệ quá thấp; cao đẳng, đại học là “hàng” hiếm. Do đó, việc tìm nhân sự có chất lượng để bố trí vào công việc gặp rất nhiều khó khăn. Ở 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nơi đồng bào Chứt sinh sống là một ví dụ.
Việc tăng cường cán bộ từ huyện xuống, luân chuyển địa phương khác về cũng chỉ giải quyết được ở những vị trí chủ chốt. Chứ không thể tăng cường về hết, luân chuyển về đủ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao, hơn nữa đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Nhiều địa phương cán bộ người DTTS không chuyên, thậm chí cả cán bộ, công chức nói tiếng phổ thông chưa sõi, thì câu chuyện “chuẩn hóa” vẫn còn xa vời nếu không có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; không xác định giáo dục phải đi trước một bước.
Phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới
Để tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp cơ sở, nhất là cấp huyện cần chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Như phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để đảm bảo đủ, mạnh ở nhiệm kỳ tiếp theo. Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức thông qua các dịp tập huấn, bồi dưỡng… Điều này thể hiện rất rõ ở điểm sáng ở các xã như ở Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Cùng với đó, việc tăng cường đào tạo, cử cán bộ đi học lên cao đẳng, đại học cũng là giải pháp cần được triển khai trên diện rộng. Có trình độ, năng lực nghiệp vụ, sẽ giúp cán bộ người DTTS tự tin, chủ động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân các huyện, cũng cần chú trọng xây dựng đề án riêng về công tác cán bộ cơ sở là người DTTS, để đáp ứng với tình hình thực tế. Như ở huyện A Lưới (Thừa Thiên -Huế). Từ Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giai đoạn 2021-2025” mà giờ đây, công tác cán bộ người DTTS ở A Lưới đã trở thành nơi tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là người DTTS, ngoài các tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, cần chú ý tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của đồng bào các dân tộc, khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết Nhân dân các dân tộc ít người. Có thể ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách, nhưng không được hạ thấp quá tiêu chuẩn. Bởi họ là những người chuyển hóa những chủ trương, chính sách và khoa học kỹ thuật đi vào cuộc sống để đồng bào áp dụng nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Để thực hiện tốt điều đó, ngoài hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thì chính những cán bộ, công chức ở cơ sở người DTTS cũng cần nâng cao tính chủ động học tập, rèn luyện để đáp ứng ngày càng cao của công việc.