Sáng 22/2, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì Phiên giải trình về nội dung “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì phối hợp Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức.
Phát biểu ý kiến tại phiên giải trình, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân mà trực tiếp là mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư.
Đồng chí cho biết, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực; việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn… Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, các đại biểu tiếp tục làm rõ, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; đề xuất các giải pháp, nhất là về hoàn thiện thể chế; về tổ chức triển khai, thực hiện; về tổ chức bộ máy và bố trí các nguồn lực thỏa đáng cho công tác trẻ em. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong năm 2021, Bộ đã chủ động tham mưu, đôn đốc và điều phối các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được phê duyệt; kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội... Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một bộ phận thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em.
Cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới, cần phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị có liên quan về phòng, chống xâm hại trẻ em để phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, gia đình, nhà trường, xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ trẻ em.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, của ông, bà, cha, mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đưa nội dung về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa cơ sở, du lịch và cho đối tượng là các già làng, trưởng bản; tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19, chú trọng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ em sau thời gian dài học tập trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng môi trường an toàn, thân thiện trong các nhà trường./.