Sở dĩ gọi là khôi hài bởi, trong cuộc họp khẩn chiều 28/5 về an toàn đường sắt, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Tàu tránh thì phải dừng và tắt máy; nhưng vì sao tàu hàng hướng Bắc vào Nam đã vào làn tránh tàu ngược lại vẫn nổ máy để lao lên, dẫn tới tai nạn?
Rõ ràng, như ông Thể nói, đây là vụ tai nạn rất vô lý; là một sự trì trệ của lĩnh vực vận tải đường sắt. Sự trì trệ này thể hiện rõ ở việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
Ai hay, một hệ thống tín hiệu đường sắt được lắp đặt với tổng mức đầu tư lên tới 2.423 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài; nhưng hiện cảnh báo an toàn vẫn do các nhân viên gác chắn thực hiện một cách thủ công!.
Rồi nữa, từ năm 2006, ngành Đường sắt khởi công xây dựng Trung tâm điều độ chạy tàu, với tổng mức đầu tư 10 triệu Ơ-rô (tức gần 245,5 tỷ đồng) từ vốn vay ODA của Đức. Nhưng đến nay, dự án này vẫn còn dang dở.
Trong khi dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi về an toàn đường sắt thì lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải lại có một mối bận tâm khác-bận tâm về mặt… chữ nghĩa !.
Bộ Giao thông Vận tải không chỉ đang phải loay hoay với “Thu phí” hay “Thu giá” mà còn bận tâm đến mặt chữ nghĩa ở lĩnh vực hàng không. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam quyết định đổi cụm từ “Chậm-Hoãn” chuyến bay” thành “Chuyến bay chưa đúng giờ”.
Ngẫm kỹ, “chuyến bay chưa đúng giờ” có khác gì chuyến bay bị chậm giờ. Đã bao giờ chuyến bay (dân dụng) bay sớm hơn lịch trình, dẫu chỉ là một phút. Vậy nên, “chuyến bay chưa đúng giờ” chỉ có thể là chuyến bay… chậm giờ (!).
Nhưng vẫn cứ phải thay đổi từ ngữ cho… chuẩn tiếng Việt. Bởi xét về mặt ngữ nghĩa, chuyến bay bị chậm giờ là lỗi của hãng hàng không. Còn chuyến bay “chưa đúng giờ” thì trách nhiệm của hãng nhẹ đi rất nhiều.
SỸ HÀO