Những ngày gần đây, tại Trung tâm Y tế Mường Chà (Điện Biên) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, cúm, tay-chân-miệng… Chỉ trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Mường Chà đã có hơn 120 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 65 trường hợp mắc bệnh cúm được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Mường Chà, mùa hè, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất. Ðể thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, TTYT huyện Mường Chà đã thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, điều trị, cách ly các trường hợp mắc bệnh.
Cùng với đó, TTYT huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh mùa hè như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, phát quang bụi rậm quanh nhà để hạn chế muỗi, côn trùng phát sinh… Các buổi tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản hoặc tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám, chữa bệnh; hệ thống đài phát thanh của huyện, xã.
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 790 ca mắc bệnh tay-chân-miệng và 9 ca dương tính với EV71; 1 ca sốt xuất huyết, gần 1.500 ca mắc bệnh tiêu chảy… Thời gian qua, Sở Y tế Quảng Ninh đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh nên tránh tiếp xúc với người ở vùng dịch, hạn chế giao lưu, tập trung chỗ đông người...
Ngoài ra, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương triển khai hướng dẫn phun khử trùng bằng cloraminB khi có dịch xảy ra...
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh như tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, sởi, rubella…”
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 24 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết; 4.655 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng tại 58 tỉnh, thành phố; 2.242 trường hợp bệnh sốt phát ban nghi sởi, trong đó 181 trường hợp dương tính. 768 trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó 692 ca mắc ký sinh trùng sốt rét.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh như: tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, sởi, rubella…; Bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng; Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày; Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.