Trước khi nói về tính giáo dục, chúng ta hãy xem giá cả của câu khẩu hiệu 11 chữ này là bao nhiêu? Hơn 10 tỷ đồng là số tiền mà Giám đốc Sở VH-TT&DL Hoà Bình Bùi Thị Niềm chính thức công bố. Tính ra, mỗi một chữ có giá gần 1 tỷ đồng. Theo như lời bà Niềm thì công trình này rất công phu với nhiều hạng mục thi công “đặc biệt” như: chữ gia công giằng thép bằng thép hình, lắp dựng giằng thép liên kết, bulong M16, đục lỗ bằng công nghệ CNC…Đặc biệt, công trình có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện và chiếu sáng, chống sét…
Phải rồi, nhiều hạng mục, thi công càng phức tạp thì càng phải tốn nhiều tiền, công trình nào chả thế. Nhưng vấn đề là, có thực sự cần thiết cho một công trình, mà mỗi chữ có giá đến gần 1 tỷ đồng? Trong lúc, Hoà Bình vẫn đang là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 là 11,36%; hộ cận nghèo là 14%. Mới năm 2018, Chính phủ phải xuất cấp gần 130 nghìn kg gạo để cứu đói giáp hạt cho tỉnh này. Và với hơn 850 nghìn dân, số thu năm 2019 ước 4000 tỷ đồng, chắc chắn Hoà Bình chưa thể cân đối được ngân sách, mà phải trông chờ sự hỗ trợ từ trung ương. Đó là chưa kể, Hoà Bình là tỉnh nhiều năm liền “đội sổ” chỉ số xếp hạng công khai ngân sách tỉnh (POBI), do CDI và VEPR công bố.
Cũng theo như lời bà Niềm, thì công trình này, “không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu, mang tính thẩm mỹ, là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang tính chất giáo dục chính trị, tư tưởng cao…”
Theo chúng tôi, bài học đầu tiên, thiết thực của một tỉnh nghèo là thực hành tiết kiệm, chứ không phải khẩu hiệu. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc thực hành tiết kiệm. “Cần kiệm” là tư tưởng sáng ngời của Bác để dựng xây đất nước, để làm gương cho Nhân dân noi theo. Người nói, “tiết kiệm không phải là bủn xỉn, là xem đồng tiền to hơn cái nống…” Đồng thời Người cũng nói: “Tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần tăng mức sống…”
Soi rọi tấm gương của Bác Hồ, thì câu khẩu hiệu ở đồi Ông Tượng thuộc tỉnh Hoà Bình đã thực sự tiết kiệm, khi mà đời sống Nhân dân các dân tộc ở đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu ngân sách còn thấp? Và cũng soi rọi tấm gương giản dị của Bác, để thấy rằng, giá của một chữ trong câu khẩu hiệu lên đến gần 1 tỷ đồng, có thực sự mang tính chất giáo dục “chính trị, tư tưởng” như lời Giám đốc Sở VH-TT&DL Hoà Bình? Bởi từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, ngay phần mở đầu Bác đã viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. “Cần - kiệm”, phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, là đối lập với lãng phí, xa hoa. Bởi thế, chỉ thực sự mang tính giáo dục cao nếu mỗi cán bộ luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm để góp phần dựng xây quê hương, đất nước mạnh giàu, thay vì khẩu hiệu to và đắt!