Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin thực trạng chính sách về lâm nghiệp, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với công tác bảo vệ, phát triển rừng đối với nhóm các DTTS tại Việt Nam và các phương pháp tiếp cận, giải pháp xây dựng chính sách về lâm nghiệp đã được áp dụng thành công ở Canada và các nước khác.
Đồng thời giúp nhận diện vấn đề còn tồn tại, khó khăn, thách thức cần tháo gỡ trong chính sách tạo sinh kế từ rừng cho đồng bào DTTS tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp, bền vững trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về báo cáo bước đầu kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ giao đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2023.
Theo báo cáo, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 42,02% cao hơn mức bình quân chung của thế giới (31%); Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt 17,29 tỷ USD; việc duy trì, phát triển các hệ sinh thái rừng đóng góp đáng kể vào bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo nguồn thu đáng kể cho chủ rừng và giảm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Qua thảo luận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như tình trạng vi phạm các quy định về lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, việc chặt phá, khai thác rừng, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép, cháy rừng, lấn, chiếm rừng, chống người thi hành công vụ… vẫn còn xảy ra.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung ban hành các chính sách tạo sinh kế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế vùng DTTS và miền núi; ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể chính sách sử dụng đất, rừng để thực hành các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào DTTS; khuyến khích, hỗ trợ các cộng đồng dân cư phục dựng các lễ hội, luật tục truyền thống tốt đẹp gắn với bảo vệ, phát triển rừng…
Bên cạnh đó, Hội thảo còn nghe và thảo luận về một số nội dung khác như: Kết quả nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế của người DTTS và miền núi tại Việt Nam; một số sáng kiến quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng có hiệu quả tại Canada, một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam; một số giải pháp chính sách nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng rừng bền vững ở Việt Nam; tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế gắn với bảo vệ, phát triển rừng cho đồng bào DTTS ở Việt Nam - những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, giải pháp…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao các báo cáo tham luận được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, công phu, tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc, bất cập trong việc triển khai Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các chính sách liên quan khác gắn với bảo đảm sinh kế cho cộng đồng các DTTS ở Việt Nam, từ đó đề ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định cho đồng bào DTTS và miền núi.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành tin tưởng rằng, với sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để phù hợp với tình hình thực tiễn.