Chung tay phát triển du lịch xanh
Trong những năm gần đây, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ Việt Nam đều ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Ông Hoàng Đạo Cương Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Với vẻ đẹp thiên nhiên nổi bật cùng nền văn hóa đa dạng, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả du khách trong và ngoài nước. Trên nền tảng nhận thức về ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương, các hoạt động du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển mới, tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch xanh dựa trên 2 yếu tố chính là thiên nhiên và văn hóa, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cùng tham gia tích cực của cộng đồng, hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên.
Nhằm đa dạng hóa trải nghiệm du lịch xanh, các đơn vị lữ hành đã xây dựng một số địa điểm mới như Mũi Né, Vĩnh Hy, Cam Ranh, Nha Trang, Đắk Nông, Đắk Lắk… Với các Tour này, du khách được trải nghiệm trong môi trường thiên nhiên nhiều hơn, như đi bộ, đạp xe qua các buôn làng…
Ông Hoàng Trọng Quyền - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tour Hot 247 cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp đẩy mạnh các Tour du lịch xanh như camping, tour khám phá về các Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Nam Cát Tiên… Nhờ vậy, doanh số ở mảng du lịch xanh ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%.
“Gần đây, doanh nghiệp có 2 đoàn khách lớn tham gia hoạt động Team Building kết hợp với các hoạt động xanh, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong hành trình tham gia Tour ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động làm sạch cung đường trekking trong rừng ở Khu du lịch Ba Hồ”, ông Quyền cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image Travel & Events, nếu như năm 2023, doanh nghiệp chỉ dùng du lịch xanh như là một yếu tố nằm trong một sản phẩm chung để kích thích nhu cầu khách hàng, thì bước sang năm 2024, một số doanh nghiệp lữ hành tự động yêu cầu bổ sung yếu tố thiên nhiên hoặc du lịch có trách nhiệm vào chương trình.
Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có nhiều mô hình xanh kết hợp nông nghiệp với du lịch, như mô hình du lịch nông nghiệp thuận thiên tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình du lịch tái chế rác của Mekong Silt Ecolodge tại TP. Cần Thơ, mô hình du lịch nông nghiệp hữu cơ ở Bảo gia Farm Camping, tỉnh Hậu Giang)… Tất cả đều phát triển du lịch dựa trên tài nguyên địa phương với định hướng bền vững. Ở đó, người dân, các doanh nghiệp đều có tri thức, có trách nhiệm, trân trọng những giá trị tài nguyên tự nhiên và môi trường.
“Chìa khóa” để phát triển bền vững ngành du lịch
Phát triển du lịch xanh đang được coi là một trong những giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Đồng hành cùng nhiều ngành kinh tế khác, du lịch đang dần trở thành ngành mang lại lợi ích kinh tế to lớn không những cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là vùng rừng núi xa xôi hay hải đảo.
Theo ông Trần Tường Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch và xã hội, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đã có ý thức về du lịch xanh. Một số doanh nghiệp đã thực hiện du lịch xanh, nhưng mới ở mức độ giải quyết các vấn đề phát sinh từ khách du lịch như nhặt rác.
Còn theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, hành trình tiến tới du lịch xanh đúng bản chất thật sự còn rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua mọi yếu tố văn hóa, môi trường, tạo ra cái nhìn méo mó về du lịch bền vững. Vì vậy, để du lịch xanh được duy trì và phát huy, cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước. Đây chính là “chìa khóa” để phát triển bền vững ngành Du lịch
“Thực tế, trong công tác tổ chức hoạt động du lịch xanh, sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương còn chưa thực sự thường xuyên. Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về tài chính trong các chương trình, hoạt động triển khai du lịch xanh”, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ
Chia sẻ với quan điểm của các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, trong những năm gần đây, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ Việt Nam đều ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Trong đó, các địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể có thể hỗ trợ để du lịch xanh có cơ hội phát triển bền vững bằng các hình thức như ưu đãi về thuế, hạn mức và thủ tục vay vốn đầu tư xanh; hỗ trợ quảng bá và nêu gương các đơn vị làm tốt để lan tỏa trong cộng đồng; ưu đãi và gỡ bỏ thủ tục rườm rà cho các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xanh, đồng hành cùng cộng đồng cư dân địa phương để phát triển du lịch xanh, bền vững.
Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác đinh phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp, như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...