Đi đâu, tôi cũng luôn hãnh diện kể về văn hoá dân tộc mình. Và khi nhắc đến món chéo với các bạn dân tộc khác, mọi người vừa trầm trồ, vừa tò mò “Ồ! thần thánh vậy sao?”. Thực ra, nó không hề “thần thánh”, nó giản dị, gần gũi nhưng chứa đựng trong đó biết bao tinh hoa giá trị của những người con dân tộc Thái.
Có nhiều người khi phiên dịch món ăn này ra tiếng phổ thông đã gọi là “chẳm chéo” và cách gọi này đã trở nên gần gũi quen thuộc. Thực ra cách gọi chính xác nhất món này là “chéo”, bởi từ “chẳm” trong tiếng Thái vốn dĩ là một động từ: chấm.
Tôi không biết chéo đã xuất hiện trong mâm cơm người Thái từ khi nào, chỉ nhớ rằng kể từ khi biết ăn cơm, món đầu tiên mẹ dạy tôi ăn là cơm nắm chấm chéo: “kin khảu chẳm chéo chắng khà tăm” (ăn cơm chấm chéo thì chân mới khỏe). Cứ như vậy, mỗi khi nắm cơm là tôi và đám em nhỏ lại rêu rao câu nói này như một câu hát, một bài vè. Tôi thích ăn nhất là chéo bà nội làm, hồi nhỏ chỉ biết thưởng thức, lớn hơn một chút mới hỏi dò bà là: “chéo bà làm kiểu gì ngon thế ạ?”. Và rồi tôi đã khám phá ra công thức đặc biệt đó.
Để có được bát chéo thơm ngon, thì nguyên liệu cần chuẩn bị cơ bản gồm có: Ớt khô (hoặc ớt tươi); tỏi củ; muối và mì chính. Từ nguyên liệu trên, ta có thể làm được hai loại chéo cơ bản: chéo khô (từ ớt khô nướng) và chéo ướt (từ ớt tươi nướng). Ở một số vùng khác nhau thì nguyên liệu làm chéo cũng sẽ khác nhau. Đặc biệt là ở Điện Biên, người Thái nơi đây giã chéo (tằm chéo) không thể thiếu nguyên liệu đặc biệt, là hạt mắc khén (một loại hạt tiêu rừng có mùi thơm và vị cay nồng). Nhưng ở quê hương Sơn La, món chéo lại chỉ có những nguyên liệu đơn giản như tôi đã kể ban đầu thôi, hạt mắc khén sẽ tùy từng món ăn hoặc món chấm mà cho vào.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, ớt đã nướng chín thơm, tỏi đã được bóc vỏ thì các nguyên liệu này sẽ được cho vào một chiếc cối (chuyên chỉ để giã chéo), dùng chày giã đều tay đến khi nhuyễn mới cho ra bát. Bình thường như vậy là xong nhưng nếu món chéo hôm đó để chấm măng ta có thể bỏ vào một hai lá chanh hoặc nếu để chấm thịt thì ta có thể bỏ vào một ít rau mùi giã cùng cho món chấm của mình thơm hơn.
Tôi đã có dịp chứng kiến một cuộc tranh luận nảy lửa, nổ ra giữa hai người du khách (một người ăn chéo Điện Biên, một người ăn chéo Sơn La), họ đều cho rằng, chéo nơi họ ăn là chuẩn chất Tây Bắc, ai cũng cho rằng mình đúng và rốt cuộc cãi nhau to vì không biết đâu mới là chéo chuẩn. Tôi nghĩ rằng, không có một khái niệm nào gọi là “chéo chuẩn” cả, chúng ta nên tôn trọng và yêu mến văn hóa ẩm thực của vùng miền khác.
Bà nội tôi hay kể, ngày xưa đói ấy mà, cứ một nắm xôi một gói chéo nhỏ, bỏ bào klếp (một dụng cụ đựng đồ người Thái hay đeo chéo qua vai) rồi đi làm nương cả ngày. Bố tôi và các cô tôi đều lớn lên nhờ gói chéo như vậy, có thịt có cá gì đâu, thậm chí có cơm để chấm chéo đã là may mắn lắm rồi. Không phải chỉ mỗi nhà tôi đâu, mà thời đấy nhà ai cũng vậy…
Đến thời của chúng tôi, bữa ăn đã được thêm vào rất nhiều loại gia vị, nào mắm, nào xì dầu, mì chính, hạt nêm… Nhiều người Thái chuyển ra ở thành phố đã dần hiện đại hóa mà vẫn không quên bát chéo trong bữa ăn, bởi với họ, bát chéo là “linh hồn” của bữa cơm (pan khảu), chỉ là xa quê, họ không có điều kiện thưởng thức mà thôi…
Vì thế mà đối với người Thái, càng xa quê càng "thèm khát" hương vị quê nhà, càng lớn tuổi càng ước muốn trở về quê hương để thưởng thức món chéo đặc biệt ấy; và những người vùng xuôi khi ngược Tây Bắc, dù chỉ thử một lần sẽ nhớ món chéo ấy mãi. Vậy nên mới nói, chéo không chỉ là một thứ gia vị mà nó còn là sợi dây gắn kết cộng đồng người Thái và giữa người vùng xuôi và người vùng ngược.