Theo quan niệm về văn hóaẩm thực của người Dao (nhóm Dao Thanh Y) ở xã Bằng Cả, huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh, các món ăn truyền thống của đồng bào không chỉ là thức ăn đơn thuần mà mỗi món như là một vị thuốc có tác dụng riêng đối với sức khỏe con người. Ví dụ như món gà nấu canh gừng hay gà nấu rượu bâu thường được bà con chế biến trong mùa đông, giúp làm ấm lên cơ thể trong tiết trời giá lạnh. Còn vào mùa hè, người Dao thường nấu món canh măng cá suối, rắc thêm một chút lá rau rừng. Món ăn này có tác dụng thanh lọc, giải nhiệt rất tốt cho sức khỏe con người.
Trong những dịp lễ hội tại địa phương hay tại các Hội chợ trưng bày, giới thiệu các đặc sản ẩm thực dân tộc, người Dao Thanh Y thường “trình làng” những món ẩm thực truyền thống như: bánh gù, cơm nắm, bánh lá, gà nấu rượu bâu, gà nấu canh gừng, rượu bâu men lá... Dưới đây là một số món đặc sản ẩm thực của người Dao Thanh Y.
Canh gà rượu bâu
Canh gà nấu với rượu bâu, không chỉ có vị thơm ngọt của đặc sản gà Hoành Bồ, món ăn thơm mùi gừng, có vị thanh, làm ấm cơ thể và rất dễ ăn. Để nấu được món canh gà với rượu bâu không quá khó, tuy nhiên cần phải phối hợp hài hòa giữa các nguyên liệu với nhau.
Người Dao Thanh Y có kinh nghiệm chọn gà để nấu món canh gà rượu bâu là loại gà giò, non tơ, tức là gà đạt trọng lượng khoảng 2kg đối với gà trống, 1,6kg đối với gà mái. Không dùng gà thiến vì gà dễ bị béo, nhiều mỡ nấu mất ngon. Gà sau khi được làm sạch, chặt đều miếng ướp gia vị. Sau đó cho thịt gà vào phi qua với hành mỡ để dậy mùi, đổ nước đun sôi cho miếng gà chín tới, rồi đập gừng, cho một phần nhỏ địa liền và bỗng rượu vào rồi đun kỹ.
Địa liền cho vào món ăn chỉ mọt chút ít để làm thơm dậy mùi gà, nếu cho quá tay sẽ dễ làm hỏng món gà, gây nặng mùi. Ngoài ra, bỗng rượu chọn loại lên men nhưng chưa qua đun nấu, chế biến. Đây là hai thứ không thể thiếu vừa làm mềm gà, lại bổ trợ làm dậy mùi thơm của gà. Món ăn được đun kỹ, hòa quyện các hương vị, ăn nóng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt phù hợp trong mùa đông.
Bánh gù
Món bánh gù thường được bà con làm để dâng cúng trong những ngày hội làng Bằng Cả, đó là ngày 1/2 (lễ chính đầu năm mới), ngày 1/4, ngày 1/7, ngày 1/10 và ngày 20 tháng Chạp (lễ tổng kết năm). Đây là món bánh phổ biến trong các gia đình người Dao ở xã Bằng Cả nên người nào cũng biết làm, gia đình nào cũng phải có để cúng tổ tiên và đãi khách trong các dịp cúng rằm, lễ tết.
Để làm ra những món bánh truyền thống, khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng rất cầu kỳ. Bà Trương Thị Bảy, thôn 1, xã Bằng Cả cho biết, trước khi chế biến món bánh gù, người Dao phải lên rừng lấy các loại lá dong, lá ỏng, lá kim lông và chuẩn bị gạo nếp, thịt ba chỉ, lạt buộc... Gạo nếp dùng làm bánh phải được ngâm trước 4 tiếng, sau đó vớt ra đãi sạch sạn để khô ráo rồi mới xúc vào lá gói lại, cho lên bếp luộc khoảng 8 tiếng là bánh chín. Món bánh gù vừa có mùi thơm dẻo của gạo nếp, vừa có hương thơm thanh tao của lá ỏng.
Đặc sản rượu bâu
Hầu hết gia đình người Dao ở Bằng Cả đều biết cách ủ và nấu rượu bâu. Tuy nhiên, mỗi nhà lại có công thức chế biến cũng như cách nấu riêng tuỳ theo bí quyết gia truyền của từng gia đình, dòng họ. Rượu bâu được làm từ gạo nếp, nhưng không nấu lên như rượu cay, mà gạo được nấu cơm rồi ủ 1-2 ngày đêm với men lá rừng. Sau đó cho rượu vào chum theo quy trình giống như người Kinh làm rượu nếp, khoảng chục ngày sau là rượu uống được.
Muốn rượu ngon, có màu vàng giống như nước cam vắt thì cần phải dùng gạo nếp nương, hạt mẩy đều cho vào giã bằng cối đá. Người làm rượu bâu phải tìm được 5 loại lá rừng, vốn rất sẵn ở trong các khu rừng tự nhiên của Hoành Bồ, nhưng người Dao Thanh Y vẫn coi đây là kinh nghiệm bí truyền, không phổ biến lan rộng để giữ nét đặc trưng của rượu, tránh việc làm rượu giả.
Rượu bâu có mùi thơm ngọt, đậm đà của gạo nếp nương, lá rừng. Khi uống cảm giác rất êm và khó say, nhưng đã say thì vương vất, ngất ngây nhưng lại không gây sự khó chịu, mệt mỏi hay đau đầu.