Niềm đam mê “già trước tuổi”
“Từ nhỏ, do bố mẹ đi làm xa nên em sống cùng bà ngoại. Và bà ngoại cũng là người thầy đầu tiên đưa em đến với niềm đam mê, yêu thích văn hóa dân gian”, Việt Anh – chàng trai sinh năm 2001, đã mở lời như để giải thích cho cái lí do mà mình đang đeo đuổi.
Qua năm tháng, những tập tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là của đồng bào Chứt ở vùng miền núi Quảng Bình được nghe bà kể lại; Đặc biệt, những lời hát ru bằng làn điệu dân ca của người Chứt... đã trở thành những mạch nguồn cảm xúc thấm sâu vào tâm trí chàng trai Việt Anh. Tuổi thơ lớn dần theo câu hát, nghe bà hát rồi bập bõm hát lại, và niềm yêu thích văn hóa dân gian của chàng trai trẻ cũng bắt đầu từ đây.
Lên lớp 6, Việt Anh bắt đầu tập chơi các nhạc cụ dân gian như sáo, đàn bầu, đàn nhị… Mê văn hóa dân gian, lại có năng khiếu về nghệ thuật, Việt Anh sớm trở thành "trung tâm" của các hoạt động tập thể ở trường, ở thôn xóm. Theo học Trường Đại học Luật (Huế); vùng đất Cố đô với những danh lam, thắng cảnh, đền đài, lăng tẩm…; dường như là mảnh đất lành cho chàng trai trẻ “dụng võ”.
Có thêm điều kiện để tìm hiểu, học tập và thể hiện, Việt Anh như càng say sưa hơn với niềm yêu thích văn hóa dân gian. Các hội thi, hội diễn của trường, của lớp… Việt Anh trở thành sự lựa chọn khó ai có thể thay thế.
Không chỉ biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, Việt Anh còn có đam mê sưu tầm cổ vật. Hồi nhỏ, “em đã từng rất mê mẩn với những đồng xu, chiếc bát, chiếc đĩa… có hoa văn lạ lẫm mà bà ngoại cho. Em hỏi bà về ý nghĩa và tưởng tượng đến giá trị của chúng từ hàng chục năm trước, rồi để ngay bàn học ngắm nhìn mỗi ngày. Sau này khi đang là sinh viên, những ngày nghỉ hay mỗi dịp hè em đều lặn lội đi khắp nơi để sưu tầm cổ vật và tư liệu văn hóa. Có những chuyến đi xa, em phải xin ở lại nhà dân. Và em được nhiều người giới thiệu, giúp đỡ trong quá trình sưu tầm cổ vật. Một số nhà họ không cho hoặc không bán hiện vật, em phải đi lần 2 lần 3 thuyết phục", Việt Anh bộc bạch..
Chẳng thế mà hiện nay, chàng trai trẻ đang sở hữu bộ sưu tập với hơn 300 hiện vật từ thời kỳ phong kiến cho đến thời bao cấp được trưng bày trong căn nhà nhỏ ở xã Tân Hóa. Chàng trai trẻ say sưa giới thiệu về giá trị của từng cổ vật, về ý nghĩa mà chúng đã từng hiện hữu trong một giai đoạn lịch sử khi ghé thăm căn nhà nhỏ của anh.
Nỗ lực trao truyền
Nói thêm về lý do chọn niềm đam mê “già” trước tuổi này, Việt Anh cười tươi: Em nhìn thấy cả một bề dày lịch sử với những giá trị văn hóa to lớn ẩn sâu bên trong mỗi cổ vật, mỗi hiện vật và ngay cả trong những bài hát dân gian mà mình từng hát mỗi ngày. Vì thế mà yêu, mê đến không bỏ được.
Những hiện vật sưu tầm được, Việt Anh đều hiến tặng lại cho các bảo tàng. Với hiện vật tự bỏ tiền túi ra mua, chàng trai trẻ lưu giữ, bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Tính đến nay, Việt Anh đã nhiều lần hiến tặng cổ vật có giá trị lịch sử như chum, lọ, chén, bát, thau đồng… cho các bảo tàng.
Cụ thể, đã hiến tặng cho Phòng truyền thống huyện Minh Hóa 60 hiện vật, tặng Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình 40 hiện vật, tặng Bảo tàng Huế 5 hiện vật và Bảo tàng Quảng Trị 1 hiện vật. Những hiện vật quý giá ấy gắn liền với các triều đại lịch sử như Trần, Lý, Lê, Nguyễn...
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Sau mỗi lần Việt Anh hiến tặng, chúng tôi đều có một Hội đồng thẩm định lại giá trị lịch sử của các hiện vật. Tính đến nay, cũng đã có hơn 30 hiện vật có giá trị do Việt Anh hiến tặng được trưng bày tại Bảo tàng”.
Được biết, trong hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, huyện Minh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động như sưu tầm hiện vật, cổ vật; truyền dạy hát dân ca và thực hành các nghi lễ; nhất là dân ca và nghi lễ của đồng bào Chứt.
“Em được mời làm giảng viên lớp trao truyền kỹ năng “Hát Sắc bùa” tại xã Tân Hóa, do Phòng Văn hóa Thể thao huyện Minh Hóa tổ chức. Hát Sắc bùa là loại hình dân ca của người Chứt, được thể hiện vào những dịp lễ, tết, mang ý nghĩa vui tươi, phấn khởi; là tín ngưỡng của đồng bào trong việc cầu an, chúc phúc, chúc nghề… Em rất tự hào vì đang góp một phần nhỏ cho việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, Việt Anh phấn khởi khoe.
Hiện tại, Việt Anh đã là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, chuyên ngành Nghiên cứu văn hóa – văn nghệ dân gian. Chàng trai trẻ đang có ước mơ lớn lao, là sưu tầm, lưu giữ nhiều hơn nữa những bản sắc văn hóa truyền thống, từ lời hát, từ nghi lễ, đến các hiện vật.
Với hành trình sưu tầm rồi hiến tặng hàng trăm cổ vật có giá trị cho bảo tàng, làm giảng viên giảng dạy hát dân ca… chàng trai trẻ đã viết tiếp khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trên miền sơn cước Quảng Bình.