Cây đèn đồng hình người quỳ được nhà khảo cổ học- Giáo sư Olov Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 1935.
Theo hồ sơ bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia thì tượng cây đèn hình người quỳ có niên đại cách nay khoảng 2.000 - 1.700 năm. Chiều cao 40cm, dài 30cm và rộng 27cm, nặng 1,9kg. Cây đèn được tạo hình người đàn ông mình trần, đóng khố trong tư thế quỳ, hai tay bưng đĩa đèn. Tóc cuộn hình xoắn ốc, vấn khăn, đeo hoa tai. Tượng có khuôn mặt thon dài, đôi mắt mở to, nổi rõ mí, khối lông mày nổi cao, sống mũi thanh, môi dày, miệng mỉm cười...
Với những đặc điểm nhân chủng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cây đèn này có sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Hai vai và trên lưng có 3 giá đỡ đèn hình chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Trên cổ tượng trang trí dải hoa văn hình học tựa như đồ trang sức, tay đeo vòng, thắt lưng hình hoa sen. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ.
Vành khăn trên trán bức tượng cho thấy dấu hiệu của bậc vương giả. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỷ lệ lớn và mở rộng. Theo văn hóa Hy Lạp cổ đại, điều này chứng tỏ sắc đẹp của người được miêu tả. Hình trên các cánh tay cũng được trang trí tinh tế. Vòng bụng đầy đặn thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên hai vai và ngực mang đồ trang sức có thể hình dung là một chuỗi hoa sen hoặc đồ trang sức được trang trí hoa văn hoa sen. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng. Những vật trang sức này đều mang mô típ hoa sen.
Các học giả đều cho rằng, cây đèn kỳ bí này là một bảo vật vô cùng quan trọng đối với các buổi tế lễ diễn ra vào ban đêm tượng trưng cho những hào quang chói lọi. Chính hào quang ấy đem lại cho con người lòng tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.
Theo Giáo sư O. Janse thì những chiếc đèn trên bức tượng này có thể được xem là thờ thánh trong sự luân hồi của tạo hóa. Nhân vật chính trong cây đèn hình người quỳ thể hiện nhân sinh quan của người xưa, đó là sự tái hiện của nhân vật quá cố, chịu ảnh hưởng hoặc có thể tái hiện vai trò của thần Dionysos (tức thần rượu nho theo Thần thoại Hy Lạp). Từ những cơ sở trên, ông nhận định, văn hóa La Mã, Ấn Độ đã xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á cùng với những cuộc di cư của nhiều người Ấn Độ vào những thế kỷ đầu sau công nguyên.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng cây đèn đồng hình người quỳ là hiện vật độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí thể hiện tài năng nghệ thuật cũng như tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận, thích ứng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước.