Ba năm trước, đời sống đồng bào dân tộc Mông ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp.
Từ năm 2017, xã Phong Dụ Thượng triển khai Mô hình “bản người Mông tự quản”, với nòng cốt là trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng nhóm, công an viên và Người có uy tín. Đội ngũ này thực hiện việc tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục trong đồng bào việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, 100% người Mông ở xã Phong Dụ Thượng đã thực hiện ăn Tết chung; việc tang lễ người chết đã được đưa vào quan tài, đảm bảo vệ sinh môi trường và được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Đời sống kinh tế được nâng lên so với trước. Đến năm 2020, toàn xã chỉ còn 20 hộ nghèo (giảm 48 hộ nghèo so năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2017).
Ông Lù A Dờ, Bí thư chi bộ, Người có uy tín thôn Khe Táu chia sẻ: Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong các buổi họp thôn, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, bằng cách chia sẻ thông tin về những mô hình hay, cách làm tốt trên các báo, tạp chí; xây dựng hương ước thôn về việc chấp hành pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội phổ biến đến đồng bào.
Là Người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở xã vùng cao An Lương, huyện Văn Chấn, ông Giàng A Phử là tấm gương làm kinh tế giỏi của xã. Hơn 30 năm qua, ông Giàng A Phử đã gây dựng cho mình một rừng quế với diện tích gần 20ha. Ông đã vận động Nhân dân trong thôn ươm bầu, trồng cây quế con nhằm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông cũng là người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, di cư tự phát, tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật....
Hay như ông Phùng Văn Minh, Người có uy tín thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên tích cực vận động đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tham gia xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; đổi đất, hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt giải phóng mặt bằng xây dựng cầu treo, với tổng giá trị 100 triệu đồng; vận động Nhân dân đóng góp san tạo mặt bằng xây Trạm Y tế xã, với tổng số tiền 11,6 triệu đồng; gia đình ông cũng đã hiến trên 2.000m2 đất để làm đường giao thông.
Bằng sự gương mẫu và uy tín của mình, Người có uy tín ở Yên Bái cũng đang tạo được những hiệu ứng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa. Điển hình như, Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, là người duy nhất biết cách may trang phục, làm nhạc cụ truyền thống của người Xa Phó (sáo cúc kẹ, kèn ma-nhí).
Ngoài ra, Người có uy tín còn giữ vai trò nòng cốt trong tham gia ý kiến vào các bản quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như: không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, bài trừ mê tín dị đoan… Tiêu biểu như các ông: Mễ Văn Giáo, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình; Hoàng Gia Hội, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên; Giàng A Lử, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu…
Bà Nông Thị Kim Cúc, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái chia sẻ: Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy tốt vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ thực sự trở thành “cầu nối” giữa “Ý Đảng với lòng dân” trên vùng rẻo cao tỉnh Yên Bái.