“Phủ sóng” điện lưới vẫn đang là mục tiêu
Khánh Xuân là xã vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam của huyện Bảo Lạc, cách trung tâm huyện 8 km. Toàn xã có 605 hộ gồm 3.203 nhân khẩu, gồm có 4 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông) cùng sinh sống; trong đó dân tộc Tày có 683 nhân khẩu (chiếm 21,2%, dân tộc Nùng có 951 nhân khẩu (chiếm 29,4%) dân tộc Mông có 250 nhân khẩu (chiếm 7,8%) và dân tộc Dao có 1.526 nhân khẩu (chiếm 41,6%).
Theo ông Sinh Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng do địa hình rộng (tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 5.802,06 ha), lại bị núi đồi chia cắt nên cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở Khánh Xuân hiện vẫn rất thiếu và yếu.
Xã còn 02 xóm chưa có đường xe máy đến trung tâm xóm (xóm Lũng Quẩy và xóm Lũng Chàm). Công trình nước sinh hoạt mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20% tổng số dân; công trình thủy lợi chỉ mới đáp ứng tưới tiêu cho 70ha trong tổng số 869,42 ha đất nông nghiệp toàn xã. Đặc biệt, toàn xã chỉ có 5 xóm vùng đồng có điện lưới quốc gia, còn 08 xóm vùng cao chưa có điện.
Hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống yếu kém là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghèo ở Khánh Xuân rất cao. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, toàn xã còn 359 hộ nghèo, chiếm 59,33% tổng số hộ; cận nghèo có 56 hộ, chiếm 9,25%.
Không riêng xã Khánh Xuân mà ở tỉnh Cao Bằng hiện còn rất nhiều địa bàn chưa có điện lưới quốc gia. Theo số liệu của Sở Công Thương Cao Bằng, tính đến hết quý II/2024, toàn tỉnh vẫn còn 83 xóm, với trên 6.700 hộ (chiếm tỷ lệ 4,96% tổng số hộ toàn tỉnh) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trong đó, Bảo Lâm là huyện có số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia nhiều nhất (3.260 hộ, chiếm tỷ lệ 26,39% tổng số hộ toàn huyện); xếp sau là huyện Bảo Lạc với 2.362 hộ, chiếm tỷ lệ 21,52% trên tổng số hộ toàn huyện chưa có điện lưới quốc gia.
Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn vốn Trung ương bố trí cho đầu tư xây dựng các công trình điện tỉnh Cao Bằng thấp so với nhu cầu (180 tỷ đồng/819 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 21,97% nhu cầu vốn). Các hộ dân sống rải rác, khoảng cách quá xa, địa hình hiểm trở nên vượt mức suất đầu tư tối đa cấp điện cho một hộ dân ở nông thôn (120 triệu đồng/01 hộ).
Tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các xóm, hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đề xuất Trung ương cấp kinh phí tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh; với tổng nhu cầu vốn là 283 tỷ đồng theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tăng cường thông tin về “vùng trũng”
Ngoài việc nhiều địa bàn chưa có điện lưới quốc gia thì tỉnh Cao Bằng hiện có 30 xã vùng sâu, vùng xa chưa có đài truyền thanh; 169 xóm chưa có sóng điện thoại di động. Đây là “vùng trũng” của tỉnh trong tiếp cận thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.
Theo bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng, tỉnh luôn xác định tuyên truyền là nội dung rất quan trọng. Thời gian qua, Sở đã triển khai khá nhiều hình thức tuyên truyền xuống các đơn vị, địa phương, các ban ngành trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, một số địa bàn chưa có điện lưới, chưa có đài truyền thanh, chưa có sóng điện thoại đã ảnh hưởng đến việc thông tin, tuyên truyền, nhất là trong công tác chuyển đổi số.
Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với vùng sâu, vùng xa, nhất là ở những địa bàn còn thiếu thốn cơ sở hạ tầng, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai các nội dung chính sách thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thực hiện Nội dung số 1 – Tiểu dự án 1 của Dự án 10, giai đoạn 2021 – 2023, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp tổ chức 48 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS với 3.804 lượt người tham dự; 189 hội nghị phổ biến pháp luật tại với hơn 12.388 lượt người tham gia.
“Trong 11 tháng năm 2024, Ban Dân tộc đã tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động đồng bào DTTS tại các huyện Thạch An, Trùng Khánh, Nguyên Bình, với 1.316 lượt người tham gia”, ông Hùng cho biết.
Đối với những vùng chưa có điện lưới, chưa có đài phát thanh, chưa có sóng điện thoại trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai chính sách cấp phát báo (không thu tiền), gồm: Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Cao Bằng. Đây là kênh tuyên truyền quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến với những địa bàn “vùng lõm” của Cao Bằng.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, ông Bế Văn Hùng, với công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, không bỏ sót địa bàn, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được chủ trương, chính sách, tích cực tham gia các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 159/161 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải, đạt 98,8% (hiện còn 02 xã có đường đến trung tâm xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa là xã Đức Hạnh, Vĩnh Phong, huyện Bảo Lâm); tỷ lệ thôn có đường đến trung tâm được cứng hóa: 1.220/1.462 thôn, xóm có đường trục giao thông được cứng hóa đạt tỷ lệ 83%.