Xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) có trên 1.500 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu, thế nhưng trên các cánh đồng trồng rau màu của xã thấy rất ít bóng dáng thanh niên từ 18 - 35 tuổi.
Bà Nông Thị Thu, 63 tuổi, ở xóm Phia Gào cho hay, xóm Phia Gào cũng như nhiều xóm khác trong xã, đều rất ít lao động trẻ. Nguyên nhân là do ở nhà không có việc làm thường xuyên, thu nhập từ đồng ruộng lại thấp nên không ít thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không tìm được việc làm, đã đi đến các thành phố ngoại tỉnh để tìm việc.
Theo Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, lực lượng lao động từ 15 - 49 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện có trên 361.000 người; trong đó lực lượng thanh niên khoảng 150.000 người, chiếm 28,82% dân số và chiếm 50,6% lực lượng lao động của tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2019, tổng số lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt bình quân hơn 10.000 người/năm.
Nhận thức tình trạng lao động trẻ kéo ra thành thị làm việc khiến lao động nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm, gần đây, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp để lực lượng lao động trẻ có khả năng khởi nghiệp tại nơi họ sinh ra.
Ông Nông Minh Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để tạo việc làm tại chỗ, trong đó có lực lượng lao động trẻ như: Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động; Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề với việc làm; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo địa chỉ …
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng đã xác định, đào tạo nghề, lựa chọn nghề đào tạo để làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Điều này sẽ góp phần thu hút được lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ.
Ví dụ như, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hà Quảng đã tổ chức tập huấn cho lao động nông thôn áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất gừng, nghệ. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu các sản phẩm. Bước đầu, mô hình sản xuất gừng, nghệ tại các xã Lũng Năm, Vân An, Tổng Cọt đã cho thu nhập ổn định, thu hút được nhiều lao động tại chỗ.
Ở các huyện cách xa trung tâm thành phố như: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội các huyện cũng đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo các nghề phù hợp như: sửa chữa máy nông nghiệp; phổ biến chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các mô hình trong phát triển kinh tế trồng cây ăn quả, trồng rau sạch hiệu quả.
Để thu hút được lao động trẻ, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn, nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ làm. Điều này, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giúp thanh niên lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động.
Mặt khác, tỉnh đã nâng cao hiệu quả trong khâu tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm tại địa phương; tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự…
Mặc dù, còn rất nhiều khó khăn về mặt kinh phí để thực hiện các giải pháp đào tạo nghề cho lao động trẻ ở nông thôn. Song đào tạo nghề để lao động trẻ có việc làm tại chỗ đang được kỳ vọng là giải pháp then chốt mà Cao Bằng đang tập trung làm để giải quyết tình trạng lao động trẻ kéo ra thành thị làm việc, khiến lao động nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm
CHU HIỆU