Những “cột mốc sống” nơi đại ngàn
Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới có 21 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã biên giới với đường biên dài trên 71 km, 131 mốc tiếp giáp với Trung Quốc, thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán... Tuy nhiên, Hà Quảng vẫn là huyện đặc biệt khó khăn, hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội phát triển chậm, chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,62%, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, vẫn còn tình trạng vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật, mua bán người… Vì vậy, công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, ngành và hệ thống chính trị, trong đó, đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS với việc giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Hà Quảng luôn phát huy vai trò nòng cốt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác vận động nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Theo đó, đội ngũ NCUT đã chủ động phối hợp với các đồn biên phòng vận động nhân dân phát quang đường biên, mốc giới 357 buổi/10.626 lượt người tham gia; phối hợp tuần tra 1.113 lần/8.547 lượt người tham gia...
Bên cạnh đó, đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và quần chúng nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội; vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục gắn với thực hiện các phong trào ở địa phương; thực hiện tốt quy ước, hương ước; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội… góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại cơ sở.
Từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Phống, dân tộc Nùng, xóm Nhỉ Đú, xã Cải Viên là một trong số những NCUT được người dân trên địa bàn quý trọng. Với vai trò là NCUT ông đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành địa phương và bộ đội biên phòng tuyên truyền các văn bản đến với người dân trong việc quản lý bảo vệ đường biên, mốc giới. Ông trực tiếp vận động nhân dân xóm Nhỉ Đú cùng các ban, ngành của xã phối hợp bộ đội biên phòng tham gia phát quang đường biên, cột mốc 15 buổi/506 lượt người tham gia; tuần tra 53 lần/407 lượt người tham gia...; tuyên truyền cho người dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo tạo sự đồng thuận, xây dựng xóm đoàn kết và bình yên.
Ông Sầm Văn Rióng, dân tộc Nùng, xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt cũng là một trong những điển hình tiên tiến của huyện Hà Quảng trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn, đường nội đồng. Riêng gia đình ông đã hiến 950 m2 đất, vận động nhân dân đóng góp 300 ngày công lao động tu sửa đường dân sinh, đường nội đồng, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh hồ vải địa, nạo vết rãnh mương, góp phần xây dựng xã biên giới ngày càng phát triển...
Điểm sáng kinh tế vùng biên
Ngoài bảo vệ biên cương, nhiều mô hình kinh tế ra đời ở xóm Kéo Sỹ từ những tấm gương điển hình là Người có uy tín. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi ngựa bạch của ông Lâm Văn Đại, Người có uy tín ở xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng. Ông Đại vui mừng cho biết, nhà ông năm nay nuôi được đàn ngựa bạch 10 con, nuôi 2 năm thì có thể bán được và nếu được giá thì có thể bán được 50 triệu/1 con. “Người dân trong xóm rất đoàn kết và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, nhờ có công tác tuyên truyền của cán bộ Biên phòng và Công an xã Tổng Cọt người dân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu trên đá núi,” ông Đại nói.
Ở xã biên giới vùng Lục Khu thời tiết vốn khắc nghiệt, thiếu nước trầm trọng, ở các xóm hộ nghèo còn chiếm đa số thì những hộ như nhà ông Lâm Văn Đại đã thoát nghèo và từng bước có cuộc sống khấm khá hơn nhờ vào chăn nuôi ngựa bạch là một động lực lớn, động viên những người dân trong xóm cùng nhau đi lên. Từ đó cuộc sống của những người khác cũng sẽ tốt lên. Dân ổn định sản xuất, làm ăn có thu nhập và tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới.
Tương tự, tại xóm vùng cao Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), nơi có 100% đồng bào là người Lô Lô đen sinh sống. Bằng uy tín của mình, ông Chi Viết Hải, NCUT tiêu biểu của xóm tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Lô Lô đen chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Để người dân nghe và làm theo, ông Hải tiên phong hiến 900 m2 đất của gia đình xây dựng nhà văn hóa xóm. Ông đến từng nhà vận động các hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xây dựng homestay thu hút khách du lịch đến địa phương.
Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, NCUT trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều NCUT tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, nhất là công tác hòa giải và đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết… Họ thực sự là “điểm tựa” đáng tin cậy, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trung tá Nông Văn Ích, Chính trị viên Đồn biên phòng Tổng Cọt cho biết, trong những năm qua, người dân trong các xóm biên giới của huyện Hà Quảng đã tích cực ủng hộ và đồng hành với BĐBP trong việc tuần tra, bảo vệ mốc giới, phát quang đường biên. Mỗi một người dân là “một cột mốc sống”, là cánh tay nối dài của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, ông Sầm Văn Rióng là một trong những hạt nhân tích cực tham gia bảo vệ biên giới, ông là người con của vùng đất này, gắn bó với từng khe, núi nơi đây, hiểu về từng ngọn núi, gắn bó với cột mốc biên cương hơn nửa đời người.
Với sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực công tác, nhất là trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Công an xã và Bộ đội biên phòng đã và đang từng ngày góp phần giữ vững an ninh trật tự và đem lại cuộc sống bình yên cho các bản làng trên tuyến biên giới Cao Bằng.
Phát biểu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2023. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê khẳng định: Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc là mục tiêu, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, ông Triệu Đình Lê cho biết, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng quan tâm phát huy vai trò gương mẫu của Người có uy tín tại khu dân cư trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đội ngũ Người có uy tín đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực như: phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Củng cố, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn../