Còn tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), Trưởng Công xã Phong Xuân đã đánh một người dân phải nhập viện do yêu cầu người này không được ghi âm khi làm việc nhưng bị từ chối. Vụ việc ông Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum dùng cuốc bổ vào đầu người dân năm 2013 chỉ vì một va chạm nhỏ, khiến người phụ nữ này ngất xỉu tại chỗ cũng được nhiều chuyên gia nhắc lại minh chứng cho lối ứng xử thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) hiện nay.
Hành vi ứng xử lệch chuẩn của một số CBCC thời gian qua cho thấy phông văn hoá của họ còn hạn chế, lại thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện dẫn tới sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người CBCC không đúng. Dù chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, nhưng việc CBCC thiếu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý cảm xúc, phát ngôn không chuẩn mực, hành vi thô lỗ, côn đồ ít nhiều làm niềm tin của người dân đối với cơ quan công quyền bị giảm sút.
Để khắc phục tình trạng CBCC Nhà nước có những hành vi, ứng xử lệch chuẩn khi giao tiếp với người dân, thời gian qua, TP. Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, trong đó nhấn mạnh những quy định mà CBCC phải tuân thủ như ăn mặc, đi đứng, phát ngôn, cử chỉ, thái độ khi làm việc, tiếp dân, xử lý hồ sơ, thủ tục của dân.
Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng việc đưa ra hàng loạt các quy định sẽ tiếp sức thêm cho quá trình rèn luyện một đội ngũ CBCC tận tụy phục vụ nhân dân; xây dựng một nền công vụ kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hiệu lực, hiệu quả. Dư luận đồng tình với chủ trương và cách làm đó nhưng cho rằng cần triển khai và thực hiện một cách thường xuyên, thiết thực, cần phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc, thậm chí sẵn sàng loại bỏ những CBCC không đáp ứng các tiêu chí ra khỏi bộ máy công vụ.