Từ khi thành lập (tháng 4/2004 đến hết tháng 3/2018), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đã thực hiện cho vay 13 chương trình, tăng 11 chương trình so với thời điểm nhận bàn giao, với trên 190 nghìn lượt khách hàng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay trên 4.106 tỷ đồng. Với tổng dư nợ hộ đồng bào DTTS là 1.582 tỷ đồng, chiếm trên 87% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn.
Từ nguồn vốn vay, bà con nông dân đã đầu tư mua trâu, bò, dê tăng đàn gia súc, gia cầm khôi phục ngành nghề truyền thống, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và mua sắm nông cụ sản xuất… Qua đánh giá, các hộ đồng bào DTTS đã sử dụng vốn vay hiệu quả, chấp hành các quy định của người vay, thực hiện trả lãi, gốc khi đến hạn.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 4-5%/năm, tương ứng với trên 70 nghìn lượt hộ thoát nghèo. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng còn những tồn tại nhất định cần khắc phục trong thời gian tới như: Nguồn ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách cho vay chưa kịp thời, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của các hộ; một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đánh giá cao hiệu quả của nguồn vốn vay chính sách cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian qua. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, cùng với các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho đồng bào vùng sâu, vùng xa thì nguồn vốn vay chính sách cho đồng bào DTTS là một kênh quan trọng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay này; bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát cho vay, bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi được sử dụng đúng mục đích; đẩy mạnh theo dõi và thu hồi nợ cũ của các chương trình tín dụng thực hiện trong đồng bào DTTS.
Trọng Bảo