Khó khăn hiện hữu
Giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xã Hướng Phùng là 1 trong 7 xã trên toàn quốc, được chọn thí điểm chuyển đổi số. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn biến đổi khí hậu, dịch bệnh… làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, khiến việc giao thương khó thực hiện trực tiếp.
Khỏi phải nói, tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa hồ hởi đến mức nào. Rồi đây, mạng internet sẽ là chìa khóa kết nối đất, người, sản vật, cảnh quan của Hướng Phùng với muôn nơi. Người dân sẽ kinh doanh, làm giàu thông qua mạng internet… Nhưng, đó là câu chuyện sau này, còn hiện tại, Hướng Phùng đang gặp không ít thách thức.
Hãy nhìn vào thực tế hiện nay ở Hướng Phùng để thấy quá trình triển khai mô hình xã thông minh gặp nhiều khó khăn thế nào. Đây là xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện dân số Hướng Phùng là 1.628 hộ, trong đó tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm 37,3%, hộ nghèo chiếm 26,29% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025).
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long trầm tư: Năm 2020, Hướng Phùng hứng chịu thảm họa thiên tai, phải dồn nhiều nguồn lực khắc phục nên quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn; nhiều người dân chưa có điện thoại thông minh và tài khoản facebook; số người sử dụng điện thoại thông minh còn ít nên khó khăn trong việc vận động người dân tham gia cài app. Riêng hai thôn Hướng Choa và Chênh Vênh và một số cụm dân cư mạng di động còn chập chờn, lúc được lúc mất nên kết quả triển khai chưa cao…
Nên nhớ, muốn chuyển đổi số, muốn xây dựng xã thông minh thì điều đầu tiên và cơ bản quyết định chính là sóng di động ổn định. Thêm nữa, người dân có phương tiện truy cập internet.
Về thực tế này, ông Phan Ngọc Long bộc bạch: các buổi phát động, hướng dẫn cách triển khai chủ yếu qua trực tuyến, nên một số người chưa hiểu rõ cách làm. Không có máy tính kết nối trực tiếp với đài truyền thanh nên việc soạn thảo, chuyển văn bản thành giọng nói; sau đó phát thanh về các thôn phải sử dụng bằng điện thoại nên hiệu quả truyền tải nội dung chưa được đảm bảo.
Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân, thì được ông “bồi” thêm về cái khó ở Hướng Phùng: Nguồn lực của địa phương thực sự quá khó khăn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2021 là năm chuyển tiếp, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, huyện không được đầu tư nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực từ Nhân dân rất ít, nên đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, lộ trình thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Cũng bởi quá trình thực hiện khó khăn, nên xã Hướng Phùng đã kiến nghị, có thể chuyển đổi hình thức phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương như: Xây dựng các app ứng dụng công nghệ thông tin, để tiếp nhận và xử lý ý kiến đóng góp của người dân, đối với các lĩnh vực trong sản xuất, đời sống, xã hội.
Tập huấn để hỗ trợ người dân có thể đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử; đồng thời, hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.
Hiện, sở Thông tin truyền thông Quảng Trị đã phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai một số nhiệm vụ bước đầu, như tập huấn và triển khai khám bệnh từ xa qua các phương tiện sẵn có trong gia đình như điện thoại, mạng xã hội… ;Hỗ trợ UBND xã triển khai truyền thanh thông minh; phát thanh qua trợ lý ảo triển khai định danh xác thực cho người dân để tham gia giao tiếp trên môi trường mạng như: dịch vụ công, app công dân…
Đặc biệt, hỗ trợ người dân hoàn thiện quy trình đưa sản phẩm cà phê, tinh bột nghệ… lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn... Hỗ trợ trường THCS xã Hướng Phùng phòng máy vi tính và ti vi thông minh nhằm đào tạo nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân và chính quyền trong chuyển đổi số.
Công nghệ sẽ là chìa khóa
Nhìn từ mùa mưa bão lịch sử năm 2020, công nghệ đã giúp xã Hướng Phùng rất nhiều. “Truyền thanh thông minh đã giúp xã rất nhiều trong công tác hỗ trợ bà con phòng, chống lụt bão. 25 cụm loa trên 13 thôn bắt đầu hoạt động từ ngày 30/7/2020 ở 3 khung giờ: sáng (5h30 - 6h30); trưa (11h - 12h); chiều (17h30 - 18h30). Chúng tôi sử dụng truyền thanh thông minh nhằm chuyển đổi số trên lĩnh vực “y tế thông minh”; tuyên truyền các ngày lễ lớn, về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn xã.”, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long kể.
Qua khỏi xã Hướng Linh với những cánh đồng điện gió tiền tỉ, đặt chân đến xã Hướng Phùng, tôi đã miên man nghĩ về những thách thức lớn mà con người đang và sẽ đối diện. Trong thời đại 4.0, nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp. Trong đó, ứng dụng CNTT, áp dụng mạnh mẽ hơn KHCN, đặc biệt công nghệ số, được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn.
“Nhìn vào báo cáo kết quả triển khai bước đầu, tôi đã có suy nghĩ khác”, ông Phan Ngọc Long hồ hởi. Rồi ông tiếp: đó là lần đầu tiên người dân ở vùng miền núi xa xôi của Quảng Trị đã được làm quen với khái niệm cài app, tham gia cộng đồng trực tuyến, biết được sàn Postmart là gì qua hoạt động Cài app Medici, tham gia nhóm “Hướng Phùng hỏi bác sĩ trả lời”…
Còn Trưởng thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng Nguyễn Hữu Minh kể: Khi biết tin Hướng Phùng được chọn là điểm thí điểm thực hiện xã nông thôn thông minh, bà con rất vui khi nghĩ đến việc mình sẽ được tiếp cận những điều kiện phát triển qua mạng internet như bà con ở thành thị.
“Sản phẩm chanh leo, cà phê, măng khô của chúng tôi đã theo những buổi livestream để đến với những vùng miền mà tôi chưa từng được đặt chân đến. Tôi cũng nghe UBND xã thông tin sẽ kiến nghị, việc tập huấn giúp bà con giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Thật sự là mình không rõ sàn thương mại đó là gì nhưng cũng thấy rất vui”- ông Minh nói.
Trong Nghị quyết số 03 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh: Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình NTM; các đề án về du lịch, môi trường, vườn mẫu, chương trình OCOP, an ninh... trong nông thôn mới nhằm thúc đẩy hiệu quả chương trình.
Chúng tôi chợt nghĩ, tới đây, du khách từ khắp nơi đến Hướng Phùng, không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru Vân Kiều; mà còn được sử dụng các dịch vụ du lịch thông minh. Rồi đây, thác Chênh Vênh, làng du lịch sinh thái Chênh Vênh, và ngay cả đèo Sa Mù sẽ lan tỏa cùng với những sản vật địa phương. Đã đến lúc nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là điều chắc chắn.