Cái khó ló… cái khônTrên tận đỉnh đồi Khu Nọi, ông Phạm Ngọc Tân, thôn Trung Tâm, xã Minh Dân có 3ha cam. Nếu như những năm trước, tính chi phí từ việc thuê người vận chuyển phân bón đến thu hái và gùi, gánh cam xuống núi phải mất ngót mấy chục triệu đồng. Chưa kể đến việc đường dốc núi trơn trượt nguy hiểm; người, ngựa trượt chân ngã sõng soài, cam dập nát, rơi vãi thất thoát…
“Từ khi có hệ thống cáp treo thì mọi khó khăn được giải quyết, việc vận chuyển nhàn nhã hẳn, chi phí tính ra bằng 1/10 so với thuê nhân công…”. Đứng bên cạnh những sọt cam vàng sắp chuyển xuống núi, ông Tân quả quyết như vậy. Nhưng để “công trình lợi hại” này đến được với bà con như bây giờ là cả một hành trình. Và đằng sau đó là câu chuyện dài về sự sáng tạo, bền bỉ của người nông dân miền sơn cước.
Qua lời giới thiệu của nhiều người dân vùng cam, chúng tôi biết được nơi khởi phát cái cáp treo là ở thôn Thọ, xã Phù Lưu. Mà chính xác là từ đôi bàn tay lam lũ của anh em nông dân người Tày Chúng A Sính. Ông Sính năm nay 53 tuổi, dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn. Điều bất ngờ là ông chẳng qua bất cứ trường lớp đào tạo cơ khí nào mà sáng chế thành công cáp treo. Dẫu ban đầu chỉ là máy móc thô sơ, nhưng đã giúp gia đình ông và bà con giải phóng sức lao động.
Kể về nguồn cơn ra đời công trình của mình, ông Sính cho biết, cây cam thường được trồng đất đồi, núi cao và cái khó khăn nhất là khâu vận chuyển. Sau những lần thất thu vì chi phí thuê nhân công cao, thương lái ép giá, chê bai vườn cam xa. Chưa kể công đoạn chăm sóc, vận chuyển phân bón cũng cực kỳ tốn kém… Trong một lần xem trên ti vi, ông Sính nhìn thấy cảnh cáp treo vận chuyển người thật độc đáo nên tò mò tìm hiểu. “Người ta dùng cáp treo phục vụ du lịch được, vậy tại sao mình không làm cáp treo để phục vụ nông nghiệp?”, ông suy nghĩ và bắt tay vào nghiên cứu rồi cho ra đời hệ thống cáp treo của riêng mình. Ý tưởng của ông được người em trai là Chúng A Lỷ đồng lòng. Vậy là qua những lần thiết kế, tính toán, vườn cam của A Lỷ trở thành nơi thử nghiệm đầu tiên.
Trước tiên, ông đổ hai cọc bê tông kiên cố để gắn chắc đoạn dây cáp dài kéo từ đỉnh núi xuống chân núi. Sau đó, lắp ráp máy nổ và hộp số (được lấy từ máy cày cũ) để làm bộ điều tốc. Còn thùng vận chuyển làm khung sắt gắn buli để chạy trên dây cáp. Sau nhiều lần thử nghiệm thì chi phí thuê người kéo, lắp ráp, sửa thay thế nguyên vật liệu mất gần chục triệu đồng mà chưa đâu vào đâu cả.
Cái khó ở đây là chưa tìm ra được cách điều chỉnh dây tời nên khi đi vào thực hành, tốc độ di chuyển quá nhanh dẫn đến cam bị dập nát. Khi ấy, ai cũng nghĩ ý tưởng này là điên rồ bởi ông là nông dân kiến thức chẳng có. Nhiều người cứ lời ra tiếng vào khuyên ngăn nhưng đều không làm hai anh em ông Sính nhụt chí. Sau nhiều lần mày mò, hai ông quyết đầu tư mua thêm nhiều hộp số từ máy công nông cộng thêm hệ thống phanh hãm, thế là khống chế được tốc độ. “Chuyến bay” đưa cam xuống núi đầu tiên bằng hệ thống cáp treo đã thành công trong sự ngỡ ngàng, vui mừng của bà con nơi đây.
Cáp treo giá rẻ
Sự ra đời hệ thống cáp treo của anh em nhà Chúng A Sính nay đã được 5, 6 năm. Qua thời gian, sự tiện ích của nó càng được khẳng định. Chẳng thế mà công trình này đã được nhân rộng và có thêm những sáng tạo làm tăng thêm hiệu suất.
Có mặt dưới chân núi Khu Nọi ở thôn Trung Tâm, xã Minh Dân, tôi cảm nhận bao điều thú vị từ hệ thống vận chuyển cam. Vườn cam của anh Phạm Ngọc Tân tận tít trên đỉnh đồi cao hun hút. Những xe ô tô tải xếp thành dãy dài đậu phía dưới chân núi. Cam được vận chuyển xuống bằng cáp treo rồi bà con lần lượt bốc lên xe. Sau khi nhận tín hiệu bằng điện thoại di động, người trên đỉnh núi bắt đầu điều khiển cáp treo. Anh Tân giải thích, vì địa hình xa xôi, cách trở, người trên đỉnh núi và dưới chân núi không nhìn và nghe thấy nhau nên phải dùng điện thoại di động “nháy” để làm tín hiệu. Cứ mỗi lần chuông điện thoại reo là báo hiệu điều khiển dây cáp đi lên. Công đoạn thu hoạch cam của gia đình anh Tân gần như trở thành một hệ thống khép kín như thế.
Thêm một điều thú vị nữa là chi phí đầu tư cáp treo khá cao từ 50-60 triệu đồng, anh Tân sẵn sàng cho mấy chủ vườn xung quanh sử dụng chung. Anh Ma Quang Thọ, Trưởng thôn Trung Tâm cho biết, các hộ chỉ bỏ tiền mua dầu mỡ, mất khoảng vài nghìn đồng cho một chuyến. Thế nên nhờ cáp treo này mà có tận 4, 5 hộ được hưởng lợi. Mỗi năm các hộ dân tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền thuê nhân công.
Từ hệ thống cáp treo sơ khai, nguyên thủy của ông Chúng A Sính nhiều hộ dân có thêm những cải tiến mới. Anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Phù Yên, xã Phù Lưu chia sẻ, ở nhiều nơi địa hình miền núi như Lạng Sơn, Bắc Kạn thì người dân cũng chế tạo ra những cáp treo khác nhau để vận chuyển nông sản. Qua quá trình học hỏi, anh và các nông dân khác đã mạnh dạn cải tiến để tăng hiệu suất. Đó là thay một số động cơ như bộ côn số, hệ thống phanh hãm từ ô tô cũ. Dây cáp treo bé được thay thế dây to chắc chắn; hệ thống ròng rọc hiện đại cộng thêm bộ điều tốc mới nên hiệu quả rõ rệt. Cáp treo của gia đình anh vừa có sức bền, khỏe. Mỗi lần vận chuyển khoảng 5 tạ cam, tốc độ khá nhanh, khoảng 50 giây/lượt.
Mô hình cáp treo này đã được gia đình anh Tiến sử dụng được 3 năm nay. Hiện nay, xã Phù Lưu có 21 cáp treo, các xã Minh Dân, Minh Khương, Yên Thuận… mỗi nơi có 3-5 cáp treo. Hệ thống cáp treo thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế giải phóng sức lao động cho người dân Hàm Yên. Anh Ma Việt Hùng, một hộ trồng cam lâu năm ở thôn Bá, xã Yên Thuận nói, sử dụng cáp treo vận chuyển nên cam có giá hẳn lên bởi không có quả nào bị dập nát. Thương lái muốn mua bao nhiêu cam cũng sẵn sàng đáp ứng, bất kể trời mưa gió. Vì thời gian vận chuyển tính… bằng phút mà thôi! Giờ đây, cáp treo không chỉ đưa cam xuống núi mà còn giúp người nông dân đưa phân bón, cây giống, gỗ, củi “lưu hành” nhanh chóng.
Hành trình đưa cam “bay” xuống núi bằng cáp treo đã được hiện thực nhờ sự cần cù và sáng tạo của những người dân nơi đây. Họ đã biết vươn lên khắc phục khó khăn bằng đôi bàn tay và khối óc để trở thành những “kỹ sư làng” thời hiện đại.
GIANG LAM