Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện ra rằng hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên và sự biến thiên nội sinh đã làm tăng tần suất xảy ra hiện tượng El Nino cực đoan và El Nino Trung Thái Bình Dương kể từ năm 1980.
Nghiên cứu này, do một nhóm nhà khoa học tại Viện Vật lý Khí quyển (IAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Nature Communications.
Theo nhóm nghiên cứu, các đặc điểm của El Nino đã biến đổi kể từ những năm 1980 do hiện tượng El Nino cực đoan và El Nino Trung Thái Bình Dương ngày càng xuất hiện phổ biến hơn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu sự biến đổi đó chịu tác động từ bên ngoài hay là một phần của sự biến thiên tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu, phân tích những thay đổi trong thời gian qua của hiện tượng El Nino và tính toán mức độ tác động của con người cũng như sự biến đổi ngay trong chính hiện tượng thiên nhiên này đối với sự khác biệt của El Nino được quan sát thấy gần đây. Qua đó, họ phát hiện ra rằng tần suất các hiện tượng El Nino cực đoan và El Nino Trung Thái Bình Dương cũng đã tăng lên trong giai đoạn 1875-1905 dù khi đó nồng độ khí thải CO2 do con người tạo ra vẫn ở mức tương đối thấp hơn so với hiện nay.
Nhóm nghiên cứu xác định rằng sự xuất hiện thường xuyên của các hiện tượng El Nino cực đoan và El Nino Trung Thái Bình Dương kể từ năm 1980 là do nguyên nhân tổng hợp giữa tác động của con người với sự biến thiên nội sinh liên quan đến Dao động Đa thập kỷ Đại Tây Dương (AMO).
Theo các nhà khoa học, AMO dương làm tăng mạnh nhiệt độ bề mặt nước biển theo vùng tại Trung Thái Bình Dương, đồng thời làm tăng các biến động bình lưu trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hiện tượng El Nino cực đoan và El Nino Trung Thái Bình Dương.
Nhà khoa học Huang Gang tại IAP, đồng thời là tác giả của nghiên cứu trên, nhấn mạnh việc hiểu được sự biến đổi của El Nino có thể giúp dự báo chính xác hơn sự thay đổi của hiện tượng này trong tương lai./.