Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp báo diễn ra chiều 12/10, tính đến hết tháng 9, các ngân hàng đã thực hiện miễn giảm lãi suất với tổng số tiền 27 nghìn tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới 5,2 triệu tỷ đồng cho 800 nghìn khách hàng với mức lãi suất thấp hơn trước dịch.
Riêng 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng. Tổng số tiền lãi đã giảm cho vay khách hàng theo cam kết lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.812 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Đối với cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68. Theo đó, 461 tỷ đồng đã giải ngân đến 918 khách hàng vay vốn để trả lương cho 130.741 lượt người lao động.
Về hoạt động thanh toán, tổng số giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng 8 tháng đầu năm 2020 tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với cùng kỳ.
Thanh toán qua internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ, thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%./.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cố gắng duy trì sự ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm, đồng thời lường trước những nguy cơ về lạm phát.
Tính đến đầu tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện lãi suất cho vay cũng đã thấp hơn so với cùng kì khoảng 0,5 - 1%.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hồi phục kinh tế.