Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030 đối với việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh chính quyền hai cấp đi vào hoạt động sau bị sáp nhập, trong đó có tỉnh Cà Mau?
Bà Nguyễn Thu Tư: Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 là một dấu mốc mang tính lịch sử đặc biệt quan trọng đối với ngành công tác dân tộc và tôn giáo. Đại hội lần này không chỉ đánh dấu bước trưởng thành về tổ chức, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới trong tiến trình tinh gọn bộ máy hành chính, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu lực hoạt động của toàn ngành.
Trong bối cảnh chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động và chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được triển khai, công tác dân tộc và tôn giáo cần có cách tiếp cận mới, năng động và sáng tạo hơn để phù hợp với mô hình tổ chức và cơ cấu điều hành mới.
Công tác dân tộc và tôn giáo vốn đã mang tính đặc thù, nay càng cần linh hoạt, sâu sát và hiệu quả hơn trong bối cảnh địa giới hành chính có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Việc tổ chức thành công Đại hội lần này sẽ tạo nền tảng quan trọng để đội ngũ cán bộ toàn ngành nâng cao năng lực, kịp thời tham mưu, triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo cả trong giai đoạn chuyển tiếp lẫn lâu dài.
Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới, Ban Chấp hành Đảng bộ mới hội tụ được những người có bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao để dẫn dắt ngành vượt qua thách thức.
Thành công của Đại hội không chỉ mang ý nghĩa nội bộ mà còn góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc, tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và ổn định xã hội ở địa phương.
Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Cà Mau Hồ Hải làm trưởng đoàn đến thăm và làm việv với Giáo hội Phật giáo tỉnh sau sáp nhập.Phóng viên: Nhìn lại địa phương, thưa bà những cơ hội và thách thức nào trong thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo trên địa bàn sau khi sáp nhập tỉnh và vận hành chính quyền hai cấp, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Tư: Tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên 7.942,38 km2; quy mô dân số 2.606.672 người; 64 đơn vị hành chính trực thuộc (55 xã, 09 phường). Toàn tỉnh hiện có 26 thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn; trong đó, có 25 thành phần DTTS, với 32.152 hộ, 142.598 người; đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer với 26.990 hộ, khoảng 116.604 người.
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, gồm 05 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 12 xã khu vực I; có 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III, II, I và 68 ấp, khóm có đông đồng bào DTTS vừa mới được phê duyệt bổ sung thuộc vùng đồng bào DTTS
Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và triển khai chính quyền hai cấp là một bước đi chiến lược trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước. Chính quyền hai cấp tinh gọn sẽ giúp giảm trung gian, rút ngắn thời gian ban hành và thực hiện chính sách. Đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS và vùng có đông đồng bào tôn giáo, sự linh hoạt trong điều hành sẽ tạo hiệu quả rõ rệt.
Về cơ hội, Cà Mau sau sáp nhập sẽ có tiềm lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ hơn, quy mô dân số và không gian phát triển được mở rộng. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu, tăng cường hiểu biết và gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Sự kế thừa những mô hình hiệu quả từ các địa phương trước sáp nhập, tạo nên sự phối hợp đồng bộ, thống nhất hơn trong công tác quản lý và triển khai chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, chúng ta cũng đối diện với nhiều thách thức như: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng giữa các địa phương sau sáp nhập có thể dẫn tới tâm lý so sánh, lo lắng, thậm chí là mâu thuẫn tiềm ẩn nếu công tác tuyên truyền không được thực hiện khéo léo và kịp thời.
Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, phân công nhiệm vụ và điều chỉnh quy trình hoạt động cũng sẽ cần thời gian để ổn định. Trong giai đoạn đầu, có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chính sách, nhất là tại cấp cơ sở. Nguy cơ chồng chéo chức năng giữa các cơ quan chuyên môn là một vấn đề thực tế, cần được rà soát và xử lý sớm.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo sẽ đối diện với áp lực lớn hơn, về cả khối lượng công việc và yêu cầu chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nâng cao năng lực, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện chính sách với người dân.
Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được lãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâmPhóng viên: Bà có kỳ vọng, cũng như gửi gắm điều gì đến Đại hội để tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới, trong đó có tỉnh Cà Mau?
Bà Nguyễn Thu Tư: Từ Đại hội, tôi kỳ vọng vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo; về tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ tập thể của Đại hội; về niềm tin và kỳ vọng từ cán bộ, đảng viên đối với ý nghĩa lịch sử của Đại hội nói riêng và sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với lĩnh công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhiệm kỳ tới…
Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính sớm ổn định nhân sự, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn để bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong triển khai chính sách dân tộc và tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và đối thoại, chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận trong đồng bào dân tộc, các cơ sở tôn giáo để định hướng, giải thích, tạo sự đồng thuận và giữ vững ổn định xã hội. Trong đó, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Trong định hướng xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS và tôn giáo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sự tiếp cận đầy đủ và công bằng với các chính sách an sinh, giáo dục, y tế, văn hóa.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành và giám sát cơ sở, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban ngành, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội để nâng cao chất lượng triển khai chính sách có hiệu quả đến đối tượng thụ hưởng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!