Nhiều chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định số 05/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện CSDT đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDT. Nghị định đã tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp và đồng bào DTTS đối với CTDT, thực hiện hiệu quả CSDT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, phần lớn các chính sách trong nhóm chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực, phát triển bền vững mới đáp ứng một phần yêu cầu thực tiễn. Trong đó, các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho nông dân thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình ở vùng DTTS, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững chỉ mới đạt 62% yêu cầu.
Về đào tạo nghề, sau 10 năm mới chỉ có khoảng 6,2% lao động người DTTS được qua đào tạo (từ sơ cấp nghề trở lên), bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của của cả nước. Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên DTTS đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Trong số hơn 9,38 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên, có hơn 1,3 triệu người chưa có việc làm ổn định...
Đáng chú ý là có những chính sách được ban hành, triển khai nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đáng tiếc nhất là chính sách ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống của đồng bào vùng DTTS.
Theo Công văn số 1714/BKHCN-CNN ngày 29/6/2021 của Bộ KH&CN báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã ban hành 11 Chương trình KH&CN có liên quan đến vùng đồng bào DTTS. Trong thời gian này, 1.106 lượt công nghệ mới đã được chuyển giao, hơn 1.500 cán bộ quản lý KH&CN các cấp, 4.153 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở và khoảng 92.000 lượt nông dân được đào tạo, bồi dưỡng để tổ chức triển khai các dự án, ứng dụng và chuyển giao công nghệ... Tuy nhiên, qua khảo sát để tổng kết Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc đánh giá, chính sách về thúc đẩy phát triển KH&CN ở vùng đồng bào DTTS và miền núi mới chỉ đáp ứng được 32% yêu cầu thực tiễn…
Tương tự ở nhóm chính sách giáo dục và đào tạo, bên cạnh một số chính sách mới đáp ứng được một phần thì cũng có chính sách không đáp ứng được yêu cầu. Riêng với chính sách “hậu cử tuyển”, việc tiếp nhận và phân công công tác sau khi sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 26%, cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa thực sự rõ nét.
Vướng mắc nội tại
Tại phiên thảo luận ở hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 24/5/2022, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đã nêu một số bất cập trong Nghị định số 05/NĐ-CP sau hơn 10 năm triển khai. Theo bà Xuân, mặc dù Nghị định số 05/NĐ-CP là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực CTDT, nhưng đây vẫn là văn bản dưới luật nên chưa đủ hiệu lực pháp lý để định hướng chính sách, làm căn cứ cho các luật chuyên ngành điều chỉnh cho phù hợp, khiến các CSDT hiện nay chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ chưa cao. Nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các CSDT, dẫn đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế.
Quá trình khảo sát của Ủy ban Dân tộc trong năm 2020 - 2021 để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP cũng chỉ ra những bất cập nội tại trong Nghị định. Đáng chú ý, một số thuật ngữ trong Nghị định chưa được giải thích cụ thể, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác, dẫn tới khó khăn trong việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng các CSDT, nhất là nhóm chính sách cán bộ.
Đơn cử, trong Nghị định số 05/NĐ-CP giải thích thuật ngữ “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các DTTS cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Uỷ ban Dân tộc, có 46% ý kiến của công chức, 32,3% ý kiến của người dân cho rằng, giải thích như Nghị định là chưa phù hợp; ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách cán bộ theo Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới” tại Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016.
“Hiện vẫn còn thiếu chính sách đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cũng như các chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội phù hợp với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Mặc dù đây là các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện hệ thống thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quy định cụ thể trong Quyết định số 402/QĐ-TTg nhưng đến nay chưa được xây dựng, ban hành”, Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhận định.
Hay chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định, Người có uy tín được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện CSDT ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Vì quy định chung chung nay nên hiện chính sách dành cho đội ngũ Người có uy tín mới dừng ở mức động viên, khuyến khích, chưa có chế độ ưu đãi cụ thể...
Trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc cũng đánh giá, nhiều nội dung quy định tại Nghị định không còn phù hợp với lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT trong tình hình mới. Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, vùng đồng bào DTTS và miền núi đang đứng trước thời cơ mới; lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT cũng được yêu cầu cao hơn. Điều này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Theo quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần; trong khi Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần”. Vì không có sự thống nhất, đồng bộ, liên thông về định kỳ thời gian tổ chức các kỳ đại hội cấp huyện, tỉnh và Trung ương đã dẫn đến tình trạng, những đại biểu dự kỳ Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, tỉnh (đối với kỳ Đại hội không tổ chức ở cấp Trung ương) không được tuyên dương ở cấp Trung ương, không được ghi nhận kịp thời công lao đóng góp, thành tích và khích lệ, động viên đối tượng này.