Bình Gia có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp sau khi rà soát, điều chỉnh là 94.151,16 ha; chiếm 86,04% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó, diện tích rừng phòng hộ 9.497,28 ha; rừng sản xuất 84.203,88 ha. Với diện tích rừng sản xuất tương đối lớn, nguồn lao động dồi dào thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng trong đó có cây quế. Nhận thấy trồng cây quế cho thu nhập ổn định nên nhiều hộ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư, trồng và chăm sóc cây quế.
Là xã có diện tích trồng cây quế khá lớn ở huyện, xã Tân Hòa hiện có trên 500ha quế, nhiều năm năm, đã có nhiều gia đình có thu nhập cao từ trồng loại cây này. Bà Đặng Thị Tàn, thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa cho biết: Từ năm 2015, gia đình bà trồng khoảng 10 vạn cây quế trên diện tích 15ha. Sau 5 năm, gia đình tỉa bán vụ đầu tiên với sản lượng 3 tấn vỏ quế, thu nhập 120 triệu đồng. Trung bình 1 ha quế trồng 10 năm sẽ bán được 300 triệu đồng.
Tại xã Vĩnh Yên, địa phương có diện tích trồng cây quế lớn ở huyện Bình Gia, với diện tích lên tới trên 400ha. Theo lãnh đạo xã Vĩnh Yên, xác định cây quế là một trong những loại cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm qua, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc phát triển cây quế. Nhiều hộ có diện tích trồng quế có tuổi từ 5 đến 6 năm đã cho khai thác bước đầu (tỉa cành, lá… bán), thu được từ 40 đến 50 triệu đồng/hộ/vụ.
Anh Triệu Văn Thanh, thôn Văng Ún, xã Vĩnh Yên, cho biết: Cây quế là cây có giá trị kinh tế cao. Các bộ phận của cây như thân, cành, lá đều có thể bán được. Mỗi cân vỏ quế khô có giá từ 42.000-43.000 đồng. Trong 2-3 năm nay, mỗi năm gia đình bóc được 2-3 tấn quế khô, nay gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo, xây dựng được nhà khang trang, có vốn để duy trì và phát triển sản xuất.
Hiện nay, cây quế không chỉ được trồng tập trung tại xã Vĩnh Yên, Tân Hòa mà còn được trồng tại các xã: Thiện Long, Hòa Bình, Hưng Đạo… của Bình Gia với tổng diện tích toàn huyện khoảng hơn 2.816 ha. Sau 5 năm trồng, cây quế có thể cho thu hoạch: đối với vỏ cây quế thu hoạch vào 2 vụ chính từ tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hằng năm. Cành, lá thu hoạch quanh năm để chưng cất tinh dầu; khi khai thác hết thì thân cây bán làm gỗ…
Theo bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia, quế là cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Sản phẩm được các thương lái trong và ngoài tỉnh trực tiếp thu mua sản phẩm quế của người dân làm nguyên liệu. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã triển khai các dự án vay vốn để người dân chăm sóc, mở rộng diện tích quế. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Gia có trên 3.000ha quế. Để người dân mở rộng diện tích trồng quế, UBND huyện Bình Gia triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi, huy động, kết hợp, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu...
Với hiệu quả kinh tế bước đầu mà cây quế mang lại, cây quế đã trở thành cây phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ dân; đồng thời, tăng độ che phủ rừng, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.