Ông Dương Công Nghi, ở thôn An Xuyên, xã Mỹ Chánh than thở: Hiện nay hằng ngày tôi phải chở những can nhựa nhỏ loại 30 lít đi mua nước về chứa trong thùng nhựa lớn để sinh hoạt cho cả gia đình.
Còn chị Trương Thị Vân, ở thôn An Xuyên 3, chia sẻ: Ngày nào tôi cũng phải dùng xe máy qua mua nước của một số hộ ở thôn An Mỹ về sử dụng. Một ngày, tôi chở 3 - 4 chuyến với gần 100 lít. Giá bán một can nước 20 lít tuy không cao, chỉ với 1.000 đồng, nhưng mất thời gian, công sức và rất vất vả. Nếu không đi mua thì lấy đâu nước cho gia đình sử dụng.
Theo UBND xã Mỹ Chánh, xã đã được đầu tư Nhà máy nước sạch, với tổng vốn 12 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2004, công suất thiết kế 900m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 3.300 hộ dân trong xã Mỹ Chánh và hàng trăm hộ dân thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát). Tuy nhiên, vào thời điểm khô hạn, nguồn nước trên sông La Tinh cạn kiệt, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Mặt khác, hệ thống đường ống nước mới đưa vào sử dụng nhưng có nhiều đoạn bị bể; một số hộ dân nuôi hải sản lén lút đục ống lấy nước ngọt cho vào hồ nên lượng nước thất thoát nhiều, do đó nước không thể tới được các hộ dân ở cuối đường ống.
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại địa phương kéo dài từ tháng 3 - 10 hằng năm, nhưng đỉnh điểm là từ tháng 6 - 9 do nguồn nước sông cạn kiệt. Đó là chưa nói đến các thôn kể trên lại nằm sát với chân nước mặn ven đầm Đề Gi nên nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân không thể khoan giếng để lấy nước ngọt sử dụng được.
Đáng chú ý, theo người dân xã Mỹ Chánh, trước năm 2014, Nhà máy cấp nước Mỹ Chánh còn hoạt động tốt, người dân được sử dụng nước sạch thoải mái. Sau đó, Nhà máy bị hư hỏng không cấp nước được nữa. Mạch nước ngầm ở đây thì bị nhiễm mặn nặng không sử dụng được. Thế nên người dân phải “trường kỳ” mua nước về dùng.
Về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh cho biết, hiện Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh đã bàn giao cho UBND huyện Phù Mỹ quản lý và đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh giai đoạn 2 với kinh phí 39 tỷ đồng.
Được biết, không chỉ có huyện Phù Mỹ mà theo thống kê của ngành chức năng, trong mùa khô năm nay, toàn tỉnh Bình Định sẽ có hơn chục nghìn hộ dân ở các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Tuy Phước… thiếu nước sạch. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương khẩn trương nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung để phục vụ cho người dân trong mùa khô.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tỉnh nhất quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, đến mức phải điều động lực lượng Công an dùng xe chữa cháy vận chuyển nước cấp cho dân như những năm trước.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tỉnh nhất quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, đến mức phải điều động lực lượng công an dùng xe chữa cháy vận chuyển nước cấp cho dân như những năm trước”.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.