Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống
Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, nằm ở độ cao trung bình 600-700m so với mực nước biển, địa hình đồi núi và có dòng sông Mã và sông Đà chảy qua, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sơn La còn là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, với những nét văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng... tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến Sơn La nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chinh phục mạo hiểm hay tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc.
Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, bước đầu tỉnh Sơn La đã xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao…
Tại huyện Sốp Cộp nơi có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, thời gian qua, huyện luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội, nghề truyền thống, các trò chơi dân gian...
Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên cho biết: Thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, từ đầu năm đến nay, huyện hỗ trợ hơn 530 triệu đồng cho các đội văn nghệ hoạt động; hỗ trợ trang thiết bị cho các bản và tổ chức Tết Khảu hó của đồng bào dân tộc Lào xã Mường Và. Hiện nay, 90% số bản trong huyện có nhà văn hóa, duy trì hoạt động 178 đội văn nghệ các bản.
Là một huyện vùng cao có 15 xã, một thị trấn, với trên 70.000 người; có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Bắc Yên đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát các giá trị văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Hằng năm, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao” và các giải thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết và bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa của các dân tộc.
Ông Bùi Ngọc Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Hơn 2 năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ 310 triệu đồng cho đội văn nghệ truyền thống các bản xã Tà Xùa, Háng Đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho các bản Trung Sơn, Suối Song, xã Song Pe; bản Suối Ngang, xã Chiềng Sại và bản Chống Tra, xã Háng Đồng.
Ông Bùi Ngọc Thắng còn cho biết thêm thời gian qua, Phòng Văn hóa, Thông tin đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã triển khai hỗ trợ thiết bị văn hóa 58 bản. Trong đó đã hướng dẫn xã Phiêng Côn phục dựng, tổ chức Lễ hội cầu mùa lần thứ 2; Lễ hội xên bản, xên mường xã Pắc Ngà; Ngày hội văn hóa, thể thao xã Chiềng Sại; Lễ hội mùa vàng xã Xím Vàng; Lễ hội Trên quê hương vợ chồng A Phủ xã Hồng Ngài...
Hiệu quả từ chính sách
Những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã phát triển mạnh. Tỉnh Sơn La đã tổ chức thực hiện bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch đối với 06 lễ hội.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng chính sách và hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận đối với 34 nghệ nhân; tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ hoạt động cho 60 đội văn nghệ truyền thống tại các bản vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng thời tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS; đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đối với 02 dự án; chống xuống cấp di tich đối với 05 dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo 40 nhà văn hóa bản; hỗ trợ trang thiết bị cho 247 nhà văn hóa bản.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân trên 1,4 tỷ đồng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể; lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Mường Và, huyện Sốp Cộp; chống xuống cấp di tích Đồn Mộc Lỵ và bảo tồn bản truyền thống dân tộc Mông, bản Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu...
Bên cạnh đó, các loại hình trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hết Chá, huyện Mộc Châu, lễ hội gội đầu, huyện Quỳnh Nhai..., được phục dựng trong các dịp lễ, tết, các sự kiện du lịch, hội chợ xúc tiến quảng bá đã giúp tạo dấu ấn riêng cho bản sắc văn hóa dân tộc và con người của vùng đất Sơn La với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, khi Nghệ thuật Xòe Thái Tây Bắc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Nghệ thuật khèn của đồng bào Mông, nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao, huyện Mộc Châu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia..., cùng nhiều di sản khác được công nhận đã nâng tầm các loại hình trình diễn dân gian, giúp văn hóa các dân tộc Sơn La được quảng bá rộng rãi và được biết đến nhiều hơn, tạo thêm lợi thế cho du lịch phát triển.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Hằng năm, ngành đang tích cực triển khai thực hiện đề án lồng ghép vào nhiệm vụ công tác. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, Người có uy tín, nhằm nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động trình diễn theo định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.
Với những kết quả đạt được trong thời gian tới, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 96,85% số bản có nhà văn hóa; các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đưa hình ảnh về mảnh đất, con người Sơn La thân thiện, là điểm nhấn ấn tượng hấp dẫn du khách trong và quốc tế.