10 năm trước, chị Từ Thị Thử, thôn An Thành, xã Quang Kim (Bát Xát) tham gia làm cán bộ xã, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, chị xin nghỉ việc. Khi nghỉ việc, cuộc sống gia đình chị Thử cũng gặp rất nhiều khó khăn; gia đình chị có 5 khẩu, tất cả đều không có công ăn việc làm ổn định. Để từng bước cải thiện đời sống, vợ chồng chị vay mượn tiền mở dịch vụ xay xát phục vụ nhu cầu bà con trong xã. Công việc cũng thuận buồm xuôi gió, đời sống gia đình chị từng bước ổn định. Sau khi nghe đài, đọc báo, chị Thử biết được Nhà nước đang có chính sách BHXHTN, chị Thử quyết định dành một phần thu nhập để tham gia.
Chị tâm sự: “Mỗi tháng, tôi bỏ ra 700 nghìn đồng để tham gia với suy nghĩ sau này về già, mình có tiền chi tiêu, đỡ phải nhờ vào các con. Tôi cũng biết rằng, hiện nay có rất nhiều loại hình bảo hiểm nhưng tôi quyết định chọn mua BHXHTN để sau này hưởng lương hưu sẽ chắc chắn hơn. Vả lại với mức đóng hàng tháng như hiện nay cũng phù hợp với điều kiện và thu nhập của gia đình”.
Sống ở trung tâm TP. Lào Cai, cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở phường Duyên Hải, TP. Lào Cai hiện cũng cho thu nhập tương đối ổn định. Với suy nghĩ, bây giờ còn trẻ thì còn buôn bán được, sau này về già cũng chẳng biết thế nào. Qua tìm hiểu thấy rõ những lợi ích khi tham gia loại hình BHXHTN, chị Hằng quyết định mỗi tháng bỏ ra một phần thu nhập để đóng BHTN. “Tuy bây giờ mình đóng không phải nhiều lắm nhưng sau này, dù ít, dù nhiều, mình vẫn có lương hưu nên cũng yên tâm. Không phải phụ thuộc vào con cháu hay người khác”, chị Hằng cho biết thêm.
Chị Thử, chị Hằng chỉ là hai trong hàng nghìn trường hợp đang tham gia BHXHTN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Không có việc làm ổn định hoặc làm việc không có hợp đồng lao động thì tham gia BHXHTN đang là giải pháp an sinh cho người dân hiện nay. Đây cũng là hình thức chủ động tích lũy của nhiều người dân ở tỉnh miền núi Lào Cai khi mà họ không muốn phụ thuộc vào con cái khi về già.
Lợi ích lớn là vậy nhưng thực tế thì ở Lào Cai, số người tham gia BHXHTN cũng chưa cao. Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh Lào Cai mới có khoảng 1.500 người tham gia BHXHTN Trong đó, phần lớn lại là những người đã từng tham gia đóng bảo hiểm ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nghỉ việc sau đó tiếp tục đóng nối.
Ông Đường Minh Tấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai cho biết: BHXHTN còn chưa thu hút được người lao động, đa số là tham gia ở đối tượng phi sản xuất và lao động tự do. Với điều kiện kinh tế-xã hội của Lào Cai còn nhiều khó khăn, thu nhập người lao động chưa cao nên tỷ lệ tham gia chưa nhiều. Cùng với đó, chính sách còn chưa thực sự thu hút, cụ thể: Nếu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động được hưởng 5 chế độ gồm hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất. Nhưng nếu tham gia BHXHTN thì mới chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Đây là một trong những hạn chế khiến cho người lao động chưa mặn mà với loại hình này.
Cũng theo ông Tấn, thời gian tới để thu hút người dân tham gia BHXHTN, BHXH tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tính ưu việt của loại hình bảo hiểm này. Mở rộng các đại lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia bảo hiểm.
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền tham gia BHXH đối với người thuộc diện hộ nghèo là 30%, người cận nghèo 25% và các đối tượng khác là 10%. Đây cơ hội để người không có việc làm ổn định và người lao động không hưởng lương tham gia BHXHTN.
TRỌNG BẢO