Theo một nghiên cứu mới đây của Mastercard, mặc dù đại dịch Covid-19 đã có những tác động ở các mức độ khác nhau đối với các nữ doanh nhân trên toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển, thì phụ nữ vẫn đang thể hiện sự bền bỉ để có thể thành công trong mọi tình huống.
Phụ nữ ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Philippines hay Việt Nam, đặc biệt thành công trong việc phát triển doanh nghiệp của mình, bất chấp những rào cản lớn về văn hóa, xã hội và cơ sở hạ tầng đang đe dọa và cản trở sự phát triển của họ.
Việc thiếu hỗ trợ từ chính phủ, khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ kinh doanh còn hạn chế, cùng sự thiếu hụt trầm trọng các cơ hội học tập, là những rào cản chính đối với tinh thần khởi nghiệp của những phụ nữ đến từ những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp ở châu Á.
Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) lần thứ 5 đã đánh giá sự phát triển trong bối cảnh khởi nghiệp toàn cầu của những phụ nữ đến từ 65 nền kinh tế và 82.4% lực lượng lao động nữ trên toàn thế giới trong vòng 2 năm trở lại đây.
Các phát hiện cho thấy, mặc dù đã thực hiện mọi nỗ lực nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch, phụ nữ vẫn phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội. Điều này khiến khoảng thời gian dự kiến để vượt qua khoảng cách về giới trên toàn cầu có thể sẽ kéo dài thêm 36 năm nữa.
Theo Bảng xếp hạng toàn cầu của Báo cáo MIWE 2021, có 6 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã lọt vào nhóm những địa điểm tốt nhất trên thế giới dành cho nữ doanh nhân. Cụ thể hơn: New Zealand, Úc và Đài Loan đã vươn lên trở thành những địa phương dẫn đầu nhờ có điểm số xuất sắc trên cả ba yếu tố cấu thành Chỉ số MIWE: Kết quả tiến bộ của phụ nữ, tài sản tri thức và sự tiếp cận tài chính.
Báo cáo MIWE 2021 cũng cho biết xu hướng khuyến khích khởi nghiệp dành cho phụ nữ đến từ những nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Phụ nữ ở những nền kinh tế này được cho là tham gia khởi nghiệp ở mức độ cao, đôi khi còn ngang bằng với nam giới, mặc dù họ vẫn còn phải đối mặt với vô vàn những thách thức.
Sự bền bỉ của phụ nữ Philippines được ghi nhận là đặc biệt ấn tượng. Mặc dù có số lượng tham gia vào lực lượng lao động còn tương đối thấp, nhưng phụ nữ tại Philippines vẫn dẫn đầu thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp tại cấu phần A của báo cáo (về kết quả tiến bộ của phụ nữ) và có mức độ thúc đẩy bởi cơ hội tương đương phụ nữ tại những môi trường kinh doanh thuận lợi.
Cùng với Philippines, phụ nữ Thái Lan và Việt Nam đều có vị trí xuất sắc trong cấu phần A, lần lượt xếp hạng thứ 4 và 11.
"Tại Việt Nam, đại dịch đã có tác động tiêu cực đến đời sống và sinh kế của phụ nữ. Mặc dù vậy, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện sức mạnh, sự bền bỉ, cũng như khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động cao nhất trên thế giới ở mức 69,3%. Các nữ doanh nhân đã thể hiện ý chí và quyết tâm nhằm vượt qua thử thách và được thúc đẩy bởi nhiều cơ hội kinh doanh tốt", bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.