Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVNGiữa những biến động địa chính trị sâu sắc toàn cầu, ngày 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Hà Nội. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ Việt, Trung.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự phân cực ngày càng rõ nét. Chuyến thăm này, vì thế, mang tính biểu tượng cao, là thông điệp củng cố mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Việt Nam đã đón tiếp người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc bằng nghi thức đặc biệt: 21 loạt đại bác danh dự, không chỉ thể hiện sự coi trọng về ngoại giao, mà còn là một thông điệp khẳng định tính nhất quán của chính sách đối ngoại: độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, trong đó đặc biệt là Trung Quốc.
Vì sao nói đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng cao? Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, khi cạnh tranh Mỹ, Trung không còn là ngầm định mà là va chạm nảy lửa, công khai, thì chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam thể hiện vai trò, vị thế lớn của Việt Nam.
Trung Quốc, là đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt quan trọng. Gần về địa lý, lớn về quy mô, mạnh về tiềm lực – Trung Quốc là bạn hàng số một, là nguồn cung nguyên liệu sống còn cho sản xuất, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng đó cũng là một Trung Quốc đa diện: vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa không ngừng thử thách bản lĩnh của Việt Nam.
Trong khi đó, dù cách xa nửa vòng trái đất, Mỹ lại hiện diện sâu rộng trong mọi chuyển động chiến lược của khu vực. Đối với Việt Nam, Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn, mà còn là chiếc cầu nối đưa nền kinh tế tiếp cận công nghệ cao, tiêu chuẩn toàn cầu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng – yếu tố sống còn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang.
Tuy nhiên, quan hệ Việt – Mỹ không đơn thuần là lợi ích kinh tế. Đi kèm với hợp tác là áp lực về các giá trị phương Tây: dân chủ, nhân quyền, và cải cách thể chế. Đây chính là những "góc khuất nhạy cảm" khiến hợp tác song phương luôn phải bước đi trên ranh giới mong manh giữa lợi ích và nguyên tắc.
Điều đó cho thấy: quan hệ Việt – Mỹ luôn mang tính chiến lược nhưng không hề dễ dãi. Việt Nam buộc phải giữ thế cân bằng tinh tế: chấp nhận hội nhập nhưng không đánh đổi bản sắc; tiếp cận công nghệ nhưng không để bị áp đặt mô hình chính trị. Đây chính là ranh giới mong manh giữa lợi ích quốc gia và nguyên tắc chủ quyền, giữa sức ép từ đối tác và bản lĩnh nội tại.
Việt Nam đang giữ thăng bằng để phát triển trong điều kiện: Một bên là láng giềng lớn, giữ vị trí nền kinh tế số 2 thế giới. Một bên là siêu cường số 1, phía bên kia bán cầu. Cả hai vừa là đối tác chiến lược nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh gay gắt. Chưa kể, đó còn là tác động kinh tế, chính trị đan xen từ các khu vực khác trên toàn cầu.
Nhưng đó cũng chính là nơi bản lĩnh, bản lĩnh chính trị, trí tuệ ngoại giao, và sự đồng lòng quốc gia được thử thách rõ ràng nhất.
Trong thế giới đầy biến động, khi quan hệ quốc tế ngày càng mang dáng dấp của một bàn cờ nhiều tầng, nơi Mỹ và Trung Quốc đang giữ hai quân cờ chủ lực, Việt Nam bước đi tỉnh táo, linh hoạt nhưng kiên cường.
Đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn cấp cao Trung Quốc tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVNVà chính trong bối cảnh ấy, ngoại giao “cây tre” không chỉ là một biểu tượng, mà là một chiến lược sinh tồn thông minh và bản lĩnh. Đó là cách Việt Nam giữ được thế cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường cũng như dưới ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu.
Việt Nam không nghiêng hẳn về ai. Và cũng không để ai dẫn dắt mình. Càng không để bị cuốn vào quỹ đạo của bất kỳ cường quốc nào.
Việt Nam chọn một con đường khác: Vừa hội nhập sâu rộng, vừa giữ vững độc lập tự chủ. Vừa mở cửa để đón cơ hội, vừa giữ khoảng cách để tránh lệ thuộc.
Đó là cách Việt Nam giữ mình trong một thế giới đang đổi thay từng ngày. Khi mà, một nước nhỏ không thể áp đặt cuộc chơi, nhưng có thể chủ động định hình vị trí của mình trong cuộc chơi đó!