Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” 2023 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, anh Nguyễn Hữu Tú, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, đây là dịp để các bạn thanh niên khuyết tật chia sẻ với tổ chức Đoàn, Hội, Bộ LĐ,TB&XH về thực trạng, những khó khăn mà các bạn đã và đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, những thắc mắc và mong muốn được trang bị kĩ năng, công cụ số để tự tin hơn khi khởi nghiệp trong thời đại 4.0 hiện nay.
“Chúng tôi sẽ cùng với các bạn, những thanh niên tiêu biểu đại diện cho cộng đồng NKT trẻ cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp để thực hiện mong muốn, khát khao của của mình, đó là được khởi nghiệp, tự chủ và đóng góp cho cộng đồng xã hội”, anh Tú nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu và khách mời đã thẳng thắn chia sẻ những thông tin, giải pháp về khởi nghiệp số, những kỹ năng cần có khi khởi nghiệp. Đặc biệt là các bạn thanh niên khuyết tật đã chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, xin việc, cũng như học tập…
Là một trong 35 gương được tuyên dương năm nay, Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Bản thân bị khuyết tật vận động. Dù vậy, Bảo đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ đã hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk khó khăn có việc làm ổn định. “Công ty của Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kêt nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho NKT, cũng như những người yêu thích đồ họa”, Bảo nói.
Là một người sáng lập ra Trung tâm Nghị lực sống – một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật thông qua đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp NKT tìm được việc làm phù hợp. Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ: Suốt 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống (do cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng thành lập) đã đào tạo miễn phí cho hơn gần 2.000 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 NKT. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu NKT nhưng trong số đó rất ít người có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.
Ngoài ra, các ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị việc hỗ trợ kinh phí cho các Trung tâm đào tạo nghề cho NKT, cấp chứng chỉ, định hướng nghề nghiệp... Giải đáp các ý kiến này, đại diện Bộ LĐ,TB&XH, bà Đinh Thị Thuỵ, Trưởng phòng NKT (Cục Bảo trợ xã hội) cho biết: Hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Hằng năm, ngân sách đào tạo nghề vẫn được phân bổ cho các cơ sở đào tạo nghề cho NKT được cấp phép. Còn với một số cơ sở đào tạo chưa được cấp phép có thể liên kết với các cơ sở này để tham gia với vai trò tư vấn, hỗ trợ..
Với ý kiến về việc VĐV khuyết tật sau khi đoạt huy chương tại các giải đấu và nhận giải thưởng bị trừ 10% thuế thu nhập, bà Đinh Thị Thuỵ cho biết, thông thường doanh nghiệp của NKT được miễn thuế thu nhập; còn với thuế thu nhập của VĐV sẽ tập hợp để lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, từ đó có phương án tháo gỡ.