P.V: Trong những năm qua, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang đã có những bước chuyển tích cực. Góp phần công sức to lớn vào những kết quả đó, có vai trò của Người có uy tín. Xin bà cho biết những đóng góp của Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua?
Bà Hoàng Thị Thắm: Trong giai đoạn 2017 - 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định công nhận 7.087 lượt Người có uy tín; trong đó có 3.517 người là đảng viên đang sinh hoạt tại các chi, đảng bộ cơ sở. Trong thời gian qua, Người có uy tín có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2021 - 2022, đội ngũ Người có uy tín đã tích cực trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân trong thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của các cơ quan chức năng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
TRong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín luôn là tấm gương sáng, đồng thời còn làm tốt vai trò động viên con cháu, cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường.
Nhiều người là cán bộ hưu trí, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, đảm đương các chức vụ: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, qua đó đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TU ngày 17/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; tham gia phát triển đảng viên theo hướng xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, gắn bó mật thiết với Nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, Người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương nơi cư trú thông qua việc giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe kẻ xấu kích động, xúi giục. Với tinh thần trách nhiệm cao, những Người có uy tín đã kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật. Đặc biệt, những Người có uy tín đã cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an giải quyết ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp đất đai.
Với sự hiểu biết về văn hóa truyền thống, nhiều Người có uy tín đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó có các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống… như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; tham gia bảo tồn các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề may mặc, nghề rèn…
Thông qua các cuộc vận động, Người có uy tín đã phát huy vai trò tích cực trong việc vận động Nhân dân ký cam kết thực hiện quy ước ở thôn, bản; tham gia Tổ hòa giải ở cơ sở. Đồng thời tham gia tích cực hoạt động của các Tổ tư vấn, vận động bà con, dòng họ loại bỏ các hủ tục trong hôn nhân, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
P.V: Đồng hành, sẻ chia với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chính sách đối với Người có uy tín như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thắm: Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bình chọn, công nhận Người có uy tín; thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín bảo đảm theo đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng.
Hàng năm, Ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin cho Người có uy tín. Thực hiện cấp (không thu tiền) đến tận tay Người có uy tín 2 loại báo theo quy định (Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Tuyên Quang) cho trên 7.000 lượt Người có uy tín (2017 - 2022). Định kỳ mỗi năm 1 lần, tổ chức cho Người uy tín tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố và gặp mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. đặc biệt trong năm 2022, đã tổ chức đưa Đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang gặp mặt Chủ tịch nước và đi trao đổi, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh miền Trung.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã tặng quà cho 4.000 lượt Người có uy tín trong các dịp Tết Nguyên đán; thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời khi Người có uy tín bị ốm đau và gia đình Người có uy tín khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, thăm viếng, động viên khi Người có uy tín có người thân trong gia đình qua đời…
Tỉnh đã quan tâm, biểu dương, khen thưởng Người có uy tín có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Theo đó, có gần 200 lượt Người có uy tín vinh dự là đại biểu chính thức đi dự Đại hội DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2019; có 8 cá nhân là Người có uy tín và người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; 100 đại biểu là Người có uy tín được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang trao tặng Bằng khen nhân dịp Hội nghị biểu dương Người có uy tín và người DTTS tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh lần thứ Nhất.
P.V: Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG); vai trò Người có uy tín sẽ được tiếp tục phát huy như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thắm: Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong triển khai Chương trình, việc phát huy tốt vai trò Người có uy tín đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, triển khai và giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG.
Bởi lẽ, Người có uy tín nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo...
Vì vậy, khi triển khai chương trình MTQG, chúng tôi xác định Người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; là hạt nhân nòng cốt đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các thôn, bản, tổ dân phố và từng hộ gia đình. Đồng thời, Người có uy tín cũng sẽ là người cùng với Nhân dân triển khai và giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG bảo đảm hiệu quả, thiết thực nhất.
Chúng tôi tin tưởng rằng Chương trình MTQG sẽ được triển khai hiệu quả và Người có uy tín góp phần xứng đáng, phát huy được hết ý nghĩa, vị trí, vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước. Đồng thời xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.
P.V: Bà có kiến nghị, đề xuất gì với tỉnh, với Trung ương trong việc thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò đội ngũ này trong tình hình mới?
Bà Hoàng Thị Thắm: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tham mưu tổ chức triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín vẫn còn tồn tại một số khó khăn: Việc quán triệt, triển khai, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho Người có uy tín và đồng bào DTTS ở một số nơi còn chưa được quan tâm. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết vai trò, vị trí của Người có uy tín, chưa thật sự coi Người có uy tín là cầu nối của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống. Công tác tranh thủ, phát huy vai trò của Người có uy tín, người DTTS tiêu biểu ở một số nơi còn hạn chế, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho Người có uy tín có nơi còn chưa kịp thời; chế độ, chính sách đối với Người có uy tín còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ...
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò Người có uy tín trong tình hình mới, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời những Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin cho đội ngũ Người có uy tín.
Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG. Chú trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!