Vận dụng linh hoạt
Trao đổi về việc áp dụng hợp phần hỗ trợ sản xuất, ông Lăng Thành Vũ, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vui mừng cho biết, trong các năm qua, huyện Yên Thế chú trọng hỗ trợ các mô hình điểm, mô hình theo chuỗi giá trị sản xuất. Ví dụ trong năm 2017, Phòng Dân tộc đã xây dựng và hỗ trợ 11 mô hình phát triển sản xuất với 435 hộ nghèo tham gia. Dự án hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện tích cực cho đồng bào DTTS tiếp cận được với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người dân.
Qua giới thiệu của Phòng Dân tộc, chúng tôi tới tìm hiểu chương trình hỗ trợ cam canh tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế. Ngay từ năm 2017, 13 hộ dân ở đây được chọn làm mô hình điểm của chương trình hỗ trợ sản xuất. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 60 cây cam giống 3 năm tuổi. Sau khi phát giống, người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch. Để mô hình đạt hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh cử cán bộ chuyên trách, cùng với khuyến nông xã Canh Nậu thường xuyên giúp đỡ bà con kỹ thuật chăm sóc cam. Tổng kinh phí thực hiện 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mến ở xã Canh Nậu tâm sự: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên những năm qua, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, Phòng Dân tộc huyện, chúng tôi đã có giống cây trồng tốt. Cán bộ cũng hướng dẫn tận tình từ lúc chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói bảo quản sản phẩm. Sau khi sản xuất, chúng tôi cũng đã biết việc cần chủ động tìm chỗ bán nông sản, qua đó tránh bị tư thương ép giá”.
Không chỉ riêng xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, các vùng dân tộc và miền núi khác của Bắc Giang cũng nhận được sự hỗ trợ linh hoạt. Ví dụ như Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn tích cực đầu tư hỗ trợ người dân canh tác cam, nhãn, ổi, táo theo chuỗi giá trị VietGAP…
Tiếp tục phát huy
Ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang hiện có 40 xã, 99 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, trong đó có huyện Sơn Ðộng được đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước.
Trong những năm qua, các huyện tích cực vận dụng sáng tạo hợp phần hỗ trợ sản xuất phù hợp với người dân. Ví dụ như huyện Sơn Động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, 30a… hỗ trợ người DTTS phát triển kinh tế; đồng thời, khen thưởng, nêu gương các gia đình tự nguyện phấn đấu, xin thoát nghèo.
Tương tự, tại huyện Lục Ngạn, các hội, đoàn thể quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, cung ứng phân bón trả chậm, vận động nhà hảo tâm, hỗ trợ người nghèo, ưu tiên bà con DTTS tại 13 xã ĐBKK hưởng trước. Hình thức hỗ trợ rất đa dạng như, giúp phân bón, cây, con giống; hỗ trợ gạo trồng rừng; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Đến nay, nhiều xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%. Qua đó, hàng nghìn hộ nghèo được giúp đỡ, mỗi năm có hơn 100 hộ vươn lên thoát nghèo.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Bắc Giang được phân bổ gần 89 tỷ đồng, trong đó có 15 tỷ là hỗ trợ sản xuất và phát triển sinh kế. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã tập trung vào 9 mô hình sản xuất trọng điểm trong vùng DTTS.
Phát huy kết quả đạt được, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung lồng ghép nguồn vốn, lựa chọn đúng hình thức và tăng mức hỗ trợ. Huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo. Bên cạnh đó, người dân vùng cao cần có ý thức vươn lên, tự học, nâng cao trình độ nhận thức; quyết tâm giảm nghèo, làm giàu. Cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu lựa chọn cây, con giống phù hợp với nhu cầu thực tế, phát huy hiệu quả các chương trình.
HIẾU ANH