Huyện Sơn Động có gần 67 nghìn ha rừng, trong đó gần 50% là rừng trồng, trung bình mỗi năm diện tích rừng trồng khai thác toàn huyện đạt từ 4-4,5 nghìn ha, sản lượng khai thác ước trên 500 nghìn m3 gỗ.
Đến nay, huyện có 133 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, trong đó có 25 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã, còn lại là các cơ sở tư nhân. Tuy nhiên do chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở chế biến gỗ đã không chấp hành đầy đủ các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, tai nạn lao động…, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan chức năng.
Trong 4 tháng đầu năm, tổ công tác UBND huyện đã kiểm tra 59 cơ sở, thì phát hiện 42 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt gần 180 triệu đồng. Mặc dù đã ký cam kết, nhưng không ít các cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động không đảm bảo vệ sinh môi trường, khu vực lưu trữ vỏ gỗ, đầu mẩu gỗ, không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, vi phạm về khói bụi, tiếng ồn…
Bà T.D.L, người dân xã Tuấn Đạo (Sơn Động), chia sẻ: “Nhà gần xưởng gỗ nên ngày nào chúng tôi cũng phải nghe tiếng máy xẻ gỗ, bụi bay khắp nơi rất khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.”.
Nguy cơ cháy nổ cũng là thực trạng đáng báo động tại các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn huyện Sơn Động. Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả.
Thực tế đã có một số vụ cháy xảy ra tại cơ sở chế biến gỗ, như vụ cháy tại xưởng chế biến viên nén của Công ty TNHH chế biến lâm sản 1945 ở thôn Gốc Gạo (xã Cẩm Đàn) vào tháng 3/2021 gây thiệt hại tài sản khoảng 900 triệu đồng.
Ngoài ra, hầu hết người lao động trong các xưởng chế biến gỗ bóc từ chủ xưởng, cho tới công nhân đều không qua đào tạo kỹ năng vận hành máy móc, làm nghề mà là kinh nghiệm người đi trước chỉ người đi sau. Công nhân tại các xưởng gỗ đều là lao động làm theo mùa vụ, nên việc triển khai ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội không được thực hiện; các trang bị bảo hộ lao động như mũ, giày, găng tay… đều không được sử dụng dẫn tới tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn lao động.
Đặc biệt, nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện, tập trung ở khu vực đông dân cư, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Là một trong những địa phương nhiều cơ sở chế biến gỗ nhất địa bàn, thị trấn Tây Yến Tử hiện có 21 xưởng, cơ sở chế biến đang hoạt động.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND Thị Trấn Tây Yên Tử cho biết, UBND thị trấn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở chấp hành các quy định về môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy…
Tuy nhiên, hầu như các cơ sở này vẫn còn tập trung nhiều ở khu vực dân cư đông đúc, ông Thịnh chia sẻ: “Vì trước kia chưa có quy hoạch sản xuất nên các cơ sở chế biễn gỗ của thị trấn vẫn tập trung tại các khu vực đông dân. Hiện nay, ngoài các cơ sở đã hoạt động từ lâu, thì không cấp phép thêm cho các cơ sở chế biến gỗ ở những khu vực đông dân, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thị trấn”.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, trước mắt, giải pháp của huyện Sơn Động là, đã tăng cường giám sát, kiểm tra; kiên quyết không cho các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, xúc tiến quy hoạch vùng sản xuất, chế biến tập trung. “Về lâu dài, huyện sẽ ban hành cơ chế nhằm thu hút, mời gọi doanh nghiệp chế biến sâu vào đầu tư để tăng sức cạnh tranh, nâng giá trị kinh tế rừng trồng” ông Thắng nói.