Hiệu quả kinh tế cao
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 6.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường như: Nuôi hàu Thái Dương trên giá thể tre thay cho tấm lợp xi măng hoặc lốp cao su; nuôi cá bằng lồng bè tròn nhựa công nghệ Na Uy; nhuộm lưới chống bám bẩn; làm mái che giảm nhiệt độ; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mặt nước…
Ông Nguyễn Duy Hải, chủ nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, 3 năm nay ông áp dụng mô hình nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy. Ưu điểm của lồng nuôi này, là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao.
Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; đặc biệt có khả năng uốn dẻo nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc… Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.
“Vụ cá vừa qua tôi nuôi 25.000 con cá chim, 5.000 con cá bớp. Nuôi bằng vật liệu mới này đã hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường tới đàn cá, do đó tỷ lệ cá chết giảm mạnh, đàn cá cũng lớn nhanh hơn khoảng 1- 2 tháng so với nuôi thông thường. Nhờ vậy, đợt vừa rồi tôi thu được hơn 14 tấn cá chim và gần 10 tấn cá bớp. Với giá bán khoảng 130 ngàn/kg cả 2 loại, tôi thu được trên 3 tỷ đồng. Trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 750 triệu đồng”, ông Hải chia sẻ.
Không chỉ sử dụng lồng bè công nghệ cao và các giải pháp chăn nuôi khoa học, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đầu tư nhuộm lưới chống bám bẩn, để bảo vệ môi trường trên sông.
Anh Phan Hoàng Sơn (nuôi cá biển lồng bè ở tiểu khu 4, sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, sử dụng lưới nhuộm không chỉ giúp cắt giảm chi phí vận hành, công thay lưới, vệ sinh lưới, mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi oxy trong nước, giúp cá nuôi khỏe mạnh, sức đề kháng được cải thiện, giảm thiểu stress và hiện tượng bỏ ăn, gián tiếp tạo thuận lợi cho khâu dự báo sản lượng và chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ.
Anh Sơn tính toán: “Khi nuôi bằng phương pháp truyền thống, mỗi tháng tôi tốn khoảng 3 triệu đồng tiền thuê nhân công giặt lưới. Nhưng nay, nuôi bằng công nghệ mới, tôi chỉ tốn hơn 650 ngàn đồng tiền nhuộm lưới. Hơn nữa, công nghệ này giúp môi trường vùng nuôi được bảo đảm tốt hơn, cá lớn nhanh hơn”.
Tạo đà phát triển bền vững
Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, ngành nuôi trồng thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động trực tiếp đến nghề nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có lợi thế sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch.
Mặt khác, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Đặc biệt, thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc...
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi.
Đồng thời, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
“Hiện nay. tỉnh có lợi thế là khu vực Côn Đảo, đó là một trong những tiềm năng rất lớn và chưa được hoạch định 1 cách bài bản. Thứ hai là, trục ven biển từ Bình Châu đến Vũng Tàu cũng có lợi thế. Trước mắt, ngành tập trung triển khai các mô hình thí điểm, chọn lựa các doanh nghiệp có tiềm năng, khảo sát vị trí, tính toán việc đầu tư, sản xuất một cách thực tế, qua đó định hình và phát triển khu vực có tiềm năng”, ông Cường cho biết.
Về lâu dài, chiến lược phát triển thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu có sự chuyển dịch rất rõ nét, từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang đạt chuẩn, trên chuẩn; từ cách thức nuôi gần bờ, lợi dụng eo ngách sang vươn ra biển lớn, xa bờ, ở những vùng biển hở, mở; tập trung nuôi theo hướng công nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ với ứng dụng vật liệu nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi, nguyên liệu đầu vào… tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và toàn cầu.