Chứng nhân của 23 nền văn minh và triều đại
Thành phố Ani được xây dựng ở khu vực cao trên một đỉnh đồi hẻo lánh với tầng đá núi lửa màu mỡ, không xa nguồn nước gần đó. Các hẻm núi chạy sâu ở phía đông và phía tây, đóng vai trò như biên giới tự nhiên và một hệ thống phòng thủ quan trọng. Nhìn từ bên ngoài, Ani trông giống một pháo đài, với những bức tường hùng vĩ.
Những người đầu tiên đến định cư ở khu vực này vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên, dựng trại trên bờ sông Akhurian xanh lục bảo. Được coi là cái nôi của các nền văn minh, Ani chính là chứng nhân của 23 nền văn minh và triều đại trong suốt nhiều thế kỷ.
Thời kỳ đẹp nhất và mở rộng đáng kể của Ani là khi trở thành thủ đô của Vương quốc Bagratid của Armenia vào thế kỷ 10 và 11, với dân số lúc đỉnh cao là khoảng 200.000 người, lớn hơn nhiều so với London (Anh) vào thời điểm đó. Armenia là một trong những vương quốc sớm nhất chấp nhận Cơ đốc giáo làm quốc giáo vào đầu những năm 300 sau Công nguyên.
Tuy nhiên, thời gian, thiên nhiên, động đất và con người qua các cuộc chiến tranh và xâm lược đã biến đổi Ani. Trải qua sự thống trị của những người Saka, Sassanid, Byzantine, Gruzia Atabeg, Seljuk, Ottoman và Nga... thành phố chỉ còn lại những tàn tích đổ nát.
Vẫn là viên ngọc ẩn
Nằm ở phía đông thành phố Kars của Thổ Nhĩ Kỳ, di tích Ani hôm nay là một quần thể gồm các tháp bát giác, nhà thờ thời Trung cổ, những bức tường và cột đổ nát nằm rải rác trên cánh đồng cỏ rộng lớn.
Thành phố toát lên vẻ đẹp bí ẩn trong cả 4 mùa. Vào mùa đông, dưới lớp tuyết trắng, nơi đây trông như một vương quốc băng giá đã bị lãng quên từ lâu. Mùa thu, thành phố đượm vẻ huyền bí và trầm ngâm, ẩn chứa những bí mật chờ được khám phá. Khi thời tiết ấm hơn, cảnh quan trở nên sống động với sắc xanh tươi của cỏ cây. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cảm giác phiêu lưu mà không có ở nhiều di tích lịch sử của châu Âu, những nơi thường xuyên bị chen chúc bởi đám đông.
Thành phố cổ kính Ani mang đến chất liệu đa văn hóa từ các bức tường chữ và biểu tượng hình học Seljuk đến những bức bích họa, chạm khắc tinh xảo, ảnh hưởng của nghi lễ ngoại giáo Armenia cũng như truyền thống tôn giáo Cơ đốc và Hồi giáo.
Tất cả cấu trúc ở Ani đều được xây dựng bằng đá bazan núi lửa địa phương, dễ chạm khắc, có nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ hồng và đen tuyền. Ngày nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy khoảng 40 nhà thờ, lăng mộ và nhà nguyện.
Tòa nhà lớn nhất ở Ani là nhà thờ lớn, một cấu trúc trông khá Gothic với các đặc điểm mới lạ như mái vòm nhọn. Đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc Armenia. Tuy nhiên, nhà thờ lớn đã bị hư hại nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng năm 1319 và cuộc xâm lược của người Mông Cổ, những sự kiện đánh dấu sự khởi đầu cho sự suy tàn của thành phố. Vào khoảng thế kỷ 17, Ani đã trở nên hoang vắng.
Ngoài ra, nhiều khu bảo tồn và công trình kiến trúc khác trong thành phố cũng là "chứng nhân kể lại quá khứ". Nhà thờ Ebul Menucehr (nhà thờ Hồi giáo đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Anatolia), các nhà thờ Amenaprgich, Tigran Honentz và Abugamir Pahlavuni, cùng với hàng loạt tu viện và nhà nguyện rải rác trên đồng cỏ rộng lớn, góp phần tạo nên danh tiếng lịch sử của Ani.
Năm 1996, Quỹ Di tích Thế giới (WMF) đặt Ani vào danh sách 100 di sản thế giới nguy cấp cần được khôi phục. Tháng 5/2011, WMF bắt đầu hợp tác với Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành công việc bảo tồn các nhà thờ của Giáo Hội Chúa Cứu Thế. Năm 2016, thành phố cổ Ani đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.