Khởi sắc ở một vùng quê
Làng Chăm Châu Phong ở thị xã Tân Châu là làng Chăm lớn nhất trong 9 làng Chăm ở tỉnh An Giang với hơn 500 hộ dân. Nếu bạn có dịp đến với các làng Chăm Châu Phong hôm nay, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy có nhiều công trình mới đã mọc lên, cả xã như được khoác lên mình tấm áo mới. Dọc theo các xóm đồng bào Chăm, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng mới, các tuyến đường đều được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, sinh hoạt.
Với đồng bào Chăm ở Tân Châu, nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc trưng. Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm, thì nay trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ du lịch, được du khách ưa chuộng.
Ông Mohamad ở ấp Phũm Soài, là người đã có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Năm 2000, ông Mohamad đã thành lập cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, huy động thợ làm tại chỗ hoặc gia công tại nhà của người dân. Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được trưng bày, bày bán tại cơ sở và xuất khẩu.
Ông Mohamad cho biết: Những năm gần đây, loại mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách ước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, còn có các mặt hàng khác như túi xách, ba lô, nón, móc khóa…do cơ sở sản xuất, giá các sản phẩm từ 20.000 – 200.000 đồng/sản phẩm.
Ngoài ra, ông cũng đặc biệt chú trọng việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, cơ sở của ông đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày.
Trưởng ấp Phũm Xoài (xã Châu Phong) Mohamah Sa Lếh cho biết: Giờ đây, làng Chăm Phũm Xoài không còn hộ nghèo, 100% số trẻ em được đến trường từ mẫu giáo đến THPT.. Bà con không những đã đủ ăn, có của ăn của để, mà đã đầu tư tri thức cho thế hệ trẻ để thoát nghèo, phát triển lâu dài, bền vững.
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Phong, bà Võ Thụy Ý Như chia sẻ: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã làm cho diện mạo xã Châu Phong có nhiều đổi thay tích cực. Đến nay các hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn gần 3%, thu nhập của người dân đạt 51,45 triệu đồng/năm, người dân tham gia BHYT đạt 90%, hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định đạt trên 99%, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn
An Giang là tỉnh biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống. Dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59%, dân tộc Hoa chiếm 0,27%, phần còn lại là dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn. Vì vậy, việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang được phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 183 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 167 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn của Chương trình, năm 2023 UBND tỉnh An Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm, trọng tâm là các công trình, dự án thuộc các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ.
Theo báo cáo ngày 6/11/2023 của UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023, đối với Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, An Giang đã triển khai đầu tư 66 công trình cơ sở hạ tầng và đã hoàn thành 24 công trình. Trong đó, huyện Tri Tôn: 15/52 công trình, Tịnh Biên 4/9 công trình, Thoại Sơn 2/2 công trình, An Phú 3/3 công trình.
Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước bằng nguồn vốn sự nghiệp, giải ngân đạt chỉ tiêu nguồn vốn giao.
Từ nguồn lực của các dự án Chương trình MTQG 1719 đã góp phần giúp tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là với đồng bào DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Theo Kế hoạch tổng thể Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp ĐBKK là 59 công trình; xã ra khỏi địa bàn ĐBKK là 3 xã; ấp ra khỏi địa bàn ĐBKK là 5 ấp. An Giang phấn đấu hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; hộ nghèo DTTS giảm từ 3 - 4%/năm. Dự kiến hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm 1% và hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: Thời gian tới, An Giang sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống ở các huyện nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động Chương trình MTQG 1719.
Cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.