Cồng chiêng là hơi thở… của làngCũng như nhiều dân tộc khác, người Rơ Ngao (một nhóm của dân tộc Ba Na) ở làng Kon Trang Long Loi rất quý cồng chiêng. Tuy nhiên, trước đây do chiến tranh, người Rơ Ngao ở làng Long Loi phải di cư đến tỉnh Gia Lai và tỉnh Đăk Lăk nên nhiều bộ cồng chiêng của làng bị thất lạc.
Sau ngày đất nước thống nhất, người dân lại kéo nhau về lại làng cũ để làm ăn, sinh sống, lúc này trong làng không ai còn bộ cồng chiêng nào. Mãi đến năm 1977, dân làng Kon Trang Long Loi mới có một người mua được bộ cồng chiêng-người đó là ông nội của A Nha hiện nay. Trong làng, khi tổ chức lễ hội hay sự kiện quan trọng gì, dân làng thường phải mượn bộ cồng chiêng của gia đình A Nha.
May mắn là mặc dù nhiều bộ cồng chiêng và di sản văn hóa của người Rơ Ngao ở làng Kon Trang Long Loi bị thất lạc trong chiến tranh, nhưng ý thức về văn hóa, về giá trị tinh thần trong đời sống tín ngưỡng và tâm linh của người dân vẫn còn lưu giữ.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đăk Hà đánh giá cao về ý thức dân tộc, về lưu giữ những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của người Rơ Ngao ở Kon Trang Long Loi. Bằng chứng là dân làng luôn trăn trở về cồng chiêng và thành lập được câu lạc bộ văn hóa dân gian đầu tiên ở huyện.
Chia sẻ với nỗi lòng người dân, ngày 12/5/2018 UBND huyện Đăk Hà tặng cho dân làng bộ cồng chiêng cổ mua từ tỉnh Gia Lai. Vui mừng trước sự kiện có ý nghĩa trên, dân làng Kon Trang Long Loi tổ chức nghi lễ quan trọng đón bộ cồng chiêng. Ông A Thăk-nghệ nhân trong làng tâm sự, cồng chiêng như là hơi thở, là nhịp sống, là trái tim của làng. Trước khi tổ chức lễ hội đón bộ cồng chiêng này, huyện tạm giao bộ cồng chiêng để ông chỉnh chiêng. Ông dành nhiều ngày chỉnh lại bộ cồng chiêng để thanh âm vang và phù hợp với cảm thức của dân làng.
Trong khi bàn về việc chỉnh chiêng, Nghệ nhân A Thăk cho biết, bên cạnh việc dùng công cụ chuyên dùng, ông còn dùng búa trời để chỉnh chiêng. Chiếc búa trời ông có được là do một cơ duyên trong một lần đào giếng, ông nhặt được búa ở độ sâu hơn 30m. Búa trời to bằng hai ngón tay, màu xám và rất giống một chiếc rìu đá. Búa rất cứng, khi chỉnh chiêng, ông thường dùng búa này để mài vào ở nơi chiêng dày, âm thanh chưa vang.
“Khi chỉnh xong, tôi đưa cồng chiêng ra nhà rông để đội cồng chiêng đánh và mọi người dân trong làng cùng thẩm âm. Khi nào tất cả mọi người dân trong làng hài lòng với bộ cồng chiêng, tôi mới thôi chỉnh”, nghệ nhân A Thăk tâm sự.
Lễ đón rước cồng chiêngNghệ nhân A Thăk bảo, muốn đưa một bộ cồng chiêng vào làng phải tổ chức lễ đón rước. Trong bộ cồng chiêng này, sau khi cồng chiêng được chỉnh xong rồi, ông báo với xã, huyện chọn ngày tổ chức lễ đón cồng chiêng và dân làng vào rừng chặt lồ ô về nấu cơm lam, hái lá mỳ ủ chua (làm sạch độc tố) trộn thịt ba chỉ (một món ăn người Rơ Ngao rất ưa thích), chuẩn bị gà và heo để cúng Giàng.
“Cồng chiêng là nơi dân làng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng với Giàng nên phải làm lễ đón cồng chiêng, cúng Giàng. Không cúng, Giàng sẽ không chứng”, nghệ nhân A Thăk tâm sự.
Là người chỉnh cồng chiêng và am hiểu văn hóa dân tộc, nghệ nhân A Thăk rất được dân làng trọng vọng. Trong lễ đón cồng chiêng, dân làng bầu ông làm chủ lễ cúng Giàng.
Trong ngày cúng lễ, bà con ai cũng ăn mặc đẹp. Đội cồng chiêng, múa xoang mặc đồ thổ cẩm truyền thống của người Rơ Ngao. Sau phần nghi thức trao tặng cồng chiêng của chính quyền địa phương là phần nghi thức đón nhận cồng chiêng của dân làng.
Tiếp nhận cồng chiêng và những lời gửi gắm của chính quyền địa phương, nghệ nhân A Thăk thực hiện lại nghi thức chỉnh chiêng và sắp xếp cồng chiêng một vòng tròn trước nhà rông rồi thực hiện các nghi thức cúng tế.
Nghệ nhân A Thăk khấn to: Ơi… Giàng! Ơi Giàng trời, Giàng núi, Giàng sông, Giàng cây cối, Giàng đất… về uống rượu mừng cho dân làng có bộ cồng chiêng mới. Cầu mong Giàng phù hộ cho các vị khách quý ở tỉnh, huyện, xã và tất cả người làng Kon Trang Long Loi đều mạnh khỏe, giỏi giang. Dân làng Kon Trang Long Loi ngày càng giàu. Làng Kon Trang Long Loi ngày càng đẹp.
Hết lời khấn cầu, A Thăk hét lớn và hắt mạnh rượu ra trước bộ cồng chiêng cho các Giàng. “Tiếng hét là để Giàng nào còn ngủ, Giàng nào đi rừng… nghe xuống uống rượu, ăn gà đón cồng chiêng vui vẻ với dân làng”, A Thăk bộc bạch.
Sau phần lễ là phần hội, dân làng đánh cồng chiêng, nối vòng xoang và mời khách cùng ăn thịt gà, heo, uống rượu ghè vui vẻ đến tận đêm khuya. Trong lễ đón cồng chiêng, chúng tôi còn được chứng kiến những tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân làng Kon Trang Long Loi như: hòa tấu đàn T’rưng với bài “Một lòng theo Đảng”, “Long Loi ngày mới”, múa xoang “Rủ nhau đi xúc cá”…
Trong làng Kon Trang Long Loi, dường như ai cũng thuộc ít nhất một một bài dân ca và đều biết múa xoang. Rất nhiều thanh niên và các em thiếu nhi chơi được cồng chiêng. Trong làng, bên đội cồng chiêng người lớn, còn có đội cồng chiêng nhí.
Thấy các em hòa tấu cồng chiêng cùng các nhạc cụ khác của dân tộc một cách thành thạo, tôi hỏi em A Ga (học sinh lớp 6): Các cháu học đánh cồng chiêng và chơi nhạc cụ khi nào giỏi vậy? “Vào buổi chiều sau giờ học, các cháu thường tập trung tại nhà rông học đánh cồng chiêng và chơi các loại nhạc cụ”, A Ga tươi cười trả lời.
Con cháu giỏi là nhờ các nghệ nhân như A Thăk, A Thui… giỏi cồng chiêng, biết chơi và chế tác nhiều loại nhạc cụ như đàn t’rưng, k’lông pút, kni, sáo ba lổ, đàn gió, đàn suối… ; các mẹ, các chị trong làng là những người yêu thích dân ca dân tộc mình… truyền lại cho thế hệ trẻ.
“Để các cháu giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, ngoài việc chế tác các loại nhạc cụ, tôi thường dạy các cháu đánh cồng chiêng, tập đàn tại nhà rông và ở nhà. Rất nhiều cháu yêu thích và chơi được các loại nhạc cụ”, nghệ nhân A Thui chia sẻ.
Rời làng Kon Trang Long Loi, nhưng trong tôi vẫn còn vang vọng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng như tiếng suối reo, thác đổ… Chợt nhớ lại câu nói của ai đó, bản sắc dân tộc sẽ trường tồn và phát huy khi các thế hệ cùng chung tay gìn giữ.
VĂN NHIÊN