Dấu ấn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26
Tinh thần của Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 mà Bộ Chính trị ban hành chính là nhằm hướng đến mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm...
Ngay sau khi có Nghị quyết 26, Nghệ An đã cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết bằng các chương trình hành động. Theo đó, tỉnh đã lựa chọn 21 chương trình, đề án trọng điểm để triển khai thực hiện, đồng thời, lồng ghép nội dung của Nghị quyết 26 vào các chương trình, đề án triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và XIX.
Có thể thấy rõ, từ khi triển khai Nghị quyết 26, Nghệ An đã có những bước phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; nông nghiệp phát triển ở mức cao so với bình quân của vùng và cả nước; với quy mô nền kinh tế đứng thứ 12 cả nước.
Xin được dẫn chứng một số số liệu cụ thể về GRDP bình quân, về thu hút đầu tư những năm qua. Hiện nay, quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, từ 73.021 tỷ đồng (năm 2013) lên 155.424 tỷ đồng (năm 2021) và đạt 174.044 tỷ đồng (năm 2022). Còn GRDP bình quân đầu người năm 2013 là 23,74 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 45,58 triệu đồng và năm 2022 đạt 50,8 triệu đồng.
Từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nên thu hút đầu tư đạt khá. Trong giai đoạn 2014 - 2021, đã thu hút được 1.023 dự án, với số vốn đăng ký 248.930 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI có sự chuyển biến rõ nét, với các dự án có quy mô lớn, đến từ các tập đoàn có thương hiệu toàn cầu và năm 2022 lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước... Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ... từng bước được định hình là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
"Định vị" để tiếp tục phát triển
Ở thời điểm Bộ Chính trị tiến hành sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 vào năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết 26.
Sau cuộc sơ kết đó, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 55 ngày 20/4/2019, trong đó, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với các kiến nghị của Tỉnh ủy Nghệ An, sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết 26 vào năm 2023.
Căn cứ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết. Quá trình tổ chức tổng kết được thực hiện từ cấp huyện đến tỉnh, nhằm đánh giá nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng thực tiễn những kết quả đạt được, những kết quả chưa đạt được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sâu sắc; những khó khăn và vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Nghị quyết. Đồng thời đề xuất quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách, phù hợp với bối cảnh, vai trò, vị thế của tỉnh, của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Trong các cuộc làm việc đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, ngoài việc làm rõ những mục tiêu, giải pháp để phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Nghệ An cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và yếu kém. Trong đó, nêu ra những điểm còn bất cập về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng liên quan đến Logistics, khó khăn trong phát triển cảng biển, cảng hàng không, nguồn lực để triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu...
Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn cũng đã nhấn mạnh tại những cuộc làm việc đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 là cần phải “định vị” được Nghệ An đang ở đâu? Đáng chú ý, cần chỉ ra những nguyên nhân, đánh giá nghiêm túc khó khăn, thuận lợi; từ đó, kiến nghị với Trung ương các mục tiêu phù hợp cho giai đoạn phát triển tới của tỉnh.
Có thể nói, việc đánh giá một cách toàn diện 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, là dịp để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An xác định rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, để tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững cho Nghệ An.