Đề tài Nghiên cứu đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho các DTTS khu vực Tây Thanh Hóa - Nghệ An do PGs.Ts. Mai Thị Hồng Hải là Chủ nhiệm, Trường Đại học Hồng Đức là đơn vị chủ trì triển khai. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận, lý thuyết nghiên cứu về mô hình sinh kế bền vững cho các DTTS; phân tích, đánh giá thực trạng sinh kế, các mô hình sinh kế, các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình sinh kế hiện nay của các DTTS khu vực Tây Thanh Hóa - Nghệ An. Từ đó, đề xuất cơ sở khoa học cho việc xây dựng mô hình sinh kế bền vững và giải pháp, chính sách nhằm phát triển các mô hình sinh kế bền vững phù hợp với DTTS khu vực Tây Thanh Hóa - Nghệ An.
Đối tượng khảo sát chính nhằm phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của đề tài là hộ gia đình, nhóm hộ, giới thuộc các dân tộc: Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, hiện nay đang có các mô hình sinh kế hiệu quả. Dựa trên những đặc điểm về văn hóa, xã hội của các DTTS, đề tài tập trung nghiên cứu ở các khía cạnh chính như: Vốn tự nhiên (các điều kiện tự nhiên bao gồm đất đai, điều kiện khí hậu, nguồn lợi tài nguyên); vốn con người (nhân khẩu và lao động, trình độ học vấn, sự thông thạo tiếng phổ thông, kỹ năng sản xuất, tri thức địa phương và khả năng tính toán); vốn tài chính (vốn tích lũy, vốn tín dụng, các tài sản có thể sử dụng để tạo dựng sinh kế); vốn vật chất (cơ sở hạ tầng: đường sá, hệ thống cấp nước, vệ sinh, phương tiện công cụ sản xuất, sinh hoạt, truyền thông, thông tin); vốn xã hội (khảo sát sự tương hỗ của các cá nhân/hộ gia đình trong các hoạt động sinh kế).
Đề tài đã khảo sát, nghiên cứu 12 mô hình sinh kế của người Thái, 7 mô hình của người Mường, 8 mô hình của người Mông và 2 mô hình của người Khơ Mú. Từ đó, đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp như: Chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản, tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của các DTTS trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững phù hợp với đặc thù; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các DTTS để phục vụ phát triển xây dựng mô hình sinh kế bền vững (tăng cường sự tham gia của chính quyền, các tổ chức chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù; đẩy mạnh phát triển điểm đến, khu du lịch trên địa bàn; khôi phục, củng cố và phát triển các loại hình chợ truyền thống); bảo vệ và phát huy giá trị tri thức địa phương của các DTTS; xây dựng các mô hình sinh kế có hiệu quả trên cơ sở khai thác và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS; phát huy vốn xã hội để phục vụ phát triển sinh kế, xây dựng mô hình sinh kế và nhóm giải pháp đặc thù xây dựng mô hình sinh kế bền vững phù hợp với từng dân tộc…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, đề tài kiến nghị cần đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KT-XH; đề xuất một số nội dung liên quan để triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.