Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ
Theo thống kê, đến tháng 11 năm 2020, tỉnh Yên Bái có 496 HTX, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 299, chiếm hơn 60% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, nhiều mô hình HTX nông, lâm nghiệp vừa cung cấp dịch vụ, vừa tổ chức nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, sản xuất rau an toàn, trồng và bảo tồn, phát triển cây dược liệu... được thành lập.
Các HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thực hiện nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên và Nhân dân như: Cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho nông dân (quế, chè, gỗ, măng tre,...), các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến....
Thông qua các khâu dịch vụ, các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tiến hành sản xuất, gieo cấy, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với gần 9.000 thành viên, trên 5.000 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, hiện doanh thu của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.480 triệu đồng/HTX; lãi bình quân khoảng 330 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển, Yên Bái đã xây dựng, ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, như đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ phí mua bảo hiểm nông nghiệp…
Đặc biệt, trong năm 2019, Yên Bái đã triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT về hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp, với 22 dự án đã được triển khai hỗ trợ cho 18 HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng số kinh phí là trên 94 tỷ đồng.
Cần có giải pháp tổng thể
Mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, số HTX nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả cũng chỉ chiếm khoảng 55% các HTX trong lĩnh vực. Tỷ lệ các HTX trong lĩnh vực này hoạt động kém hiệu quả còn cao trên 40%, đa phần số HTX này được thành lập trước khi có Luật HTX năm 1996 và hầu hết đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được, do còn vướng mắc về tài sản, vốn và nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Nguyên nhân được cho là do năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý còn hạn chế. Ban quản lý hầu hết tuổi cao, chưa qua đào tạo nên thiếu năng động và nhạy bén với cơ chế thị trường. Cơ sở vật chất, nguồn vốn hoạt động của các HTX còn khó khăn, quy mô hoạt động nhỏ. Nhiều HTX chuyển từ mô hình cũ sang mô hình mới hoạt động còn lúng túng, đa số các HTX hoạt động mang tính thời vụ, không có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn…
Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái: Để các HTX nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực kinh tế nông thôn, cần có chiến lược và giải pháp tổng thể. Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, coi phát triển HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, tăng cường xử lý tài chính, tài sản, nợ đọng… để kiên quyết giải thể dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, các HTX hoạt động yếu, kém; rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX; tích cực hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nhân rộng ra toàn tỉnh.