Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng Thần rừng (Ảnh: Mỹ Vân)Tại Quyết định số 3980/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đã Quyết định công nhận “Lễ Cúng rừng” của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. "Lễ Cúng rừng”, hay còn gọi là "Tết rừng” được tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân. Đây là một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông ở Nà Hẩu.
Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông. Xã Nà Hẩu cách trung tâm huyện Văn Yên 30 km, có diện tích tự nhiên 5.693,52 ha; nơi đây, có 92% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Xã có 3 thôn, gồm: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát.
Đối với đồng bào người Mông xã Nà Hẩu, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào. Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hằng năm, Nhân dân trong xã đều tổ chức Tết rừng.
Tết rừng được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông với ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng thấn núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp người Mông Nà Hẩu có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh.
Tết rừng xã Nà Hẩu nhằm tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng nguyên sinh của người Mông xã Nà Hẩu nói riêng và Nhân dân Văn Yên nói chung. Là dịp quảng bá nhân rộng thúc đẩy ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lâu dài bền vững.
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ Tết rừngTết rừng đã có từ khi người Mông Nà Hẩu di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ra sắc thái văn hóa riêng của người Mông nơi đây. Theo truyền thống, thì Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng.
Theo Kế hoạc, UBND huyện Văn Yên sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ Cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” trong 2 ngày 26 - 27/2/2025 (tức ngày 29 - 30 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện này là đêm nghệ thuật “Văn Yên: Âm vang Tết rừng - Sáng bừng Nà Hẩu” do đạo diễn Lê Thế Song làm Tổng đạo diễn. Chương trình góp phần tuyên truyền sâu rộng về Lễ Cúng rừng của người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận, sẽ diễn ra Đêm hội đại ngàn với chủ đề “Cùng say giữa đại ngàn” vào 21h30, ngày 26/2/2025, tại Sân vận động xã Nà Hẩu.
Nghi lễ cúng rừng bắt đầu từ 8h00, ngày 27/2/2025 (ngày 30 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại 3 điểm cúng rừng truyền thống của xã Nà Hẩu: Thôn Trung Tâm, thôn Bản Tát, thôn Ba Khuy. Sau đó là hoạt động ăn Tết rừng cùng đồng bào dân tộc Mông.
Nhân dịp này, huyện Văn Yên cũng tổ chức nhiều hoạt động như: “Giải chạy khám phá giữa đại ngàn”; Thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa văn nghệ của người Mông: Đánh quay, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, nảy pao, đánh cầu lông gà, bịt mắt đánh chiêng, Kèn môi, kèn lá, múa khèn, múa gậy sênh tiền, hát đối...; Tham quan, trải nghiệm mô hình rèn cơ khí truyền thống của người Mông tại gian hàng chợ quê; thưởng thức các món ẩm thực: Mèn mén, cá tầm, gà đen,..