Xã Tân Nguyên huyện Yên Bình, (Yên Bái) có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, hệ thống đường giao thông liên thôn chủ yếu là đường đất. Ruộng nước ít, tính ra, mỗi khẩu trong xã cũng chỉ có vài trăm mét vuông ruộng nước nên sản xuất lúa cũng chỉ đủ ăn. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã xác định, tập trung đẩy mạnh kinh tế đồi rừng.
Thời gian trước, đất rừng ở Tân Nguyên chủ yếu là những dãy đồi trọc, cây cỏ dại mọc, chuyện làm giàu từ rừng người dân chưa mặn mà. Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã thực hiện giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác; khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh, của huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương, vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Sau khi một vài hộ dân trồng rừng cho thu nhập cao, người dân địa phương bắt đầu chú ý và mạnh dạn khai hoang, cải tạo đất, đầu tư vốn để phát triển kinh tế rừng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn ha đất trống đồi trọc trước kia đã được phủ xanh bằng những cánh rừng quế, bồ đề.
Anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong (Tân Nguyên) cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình anh gặp không ít khó khăn. Thế nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư, phát triển tài nguyên rừng, cuộc sống của gia đình anh Nguyên ngày càng khá giả. Đến nay, anh Nguyên đã có gần 100ha diện tích trồng rừng, chủ yếu là keo, bồ đề, bạch đàn và quế. Hàng năm anh khai thác từ 20 đến 30ha, thu về trên 100 triệu đồng.
Hay như ông Trần Văn Thỏa ở thôn Khe Hùm, nhờ kinh tế đồi rừng, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hiện gia đình ông có 30ha rừng, cùng với chăn nuôi, mỗi năm thu nhập cũng gần 100 triệu đồng.
Theo ông Hà Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết, thu nhập của người dân ở xã Tân Nguyên chủ yếu dựa vào rừng. Toàn xã có trên 2,3 nghìn ha đất rừng, trong đó rừng trồng sản xuất trên 1,8 nghìn ha, chủ yếu là keo, bồ đề, bạch đàn, tổng thu nhập hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng. Nhờ phát huy được tiềm năng lợi thế của mình, đến nay, trên địa bàn xã Tân Nguyên có 10 xưởng gỗ chế biến ván bóc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm, đời sống của người dân từng bước khởi sắc.
Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết, từ 2011 đến nay, trung bình hằng năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15 nghìn ha rừng các loại, đưa độ che phủ rừng trên 62,8%, đứng thứ 4 toàn quốc. Yên Bái đã hình thành vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ công nghiệp chế biến lớn và xuất khẩu của tỉnh như: gỗ ván bóc, vỏ và tinh dầu quế, tre măng bát độ, quả sơn tra... trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng và cả nước về trồng rừng sản xuất.
Ông Trần Thế Hùng cho biết thêm, đang xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Theo dự thảo Đề án, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hình thành vùng kinh doanh gỗ lớn, với quy mô gần 12 nghìn ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Cùng với đó là, hàng loạt các chính sách hỗ trợ và các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người dân trồng và chuyển hoá rừng gỗ lớn. Cụ thể, hỗ trợ về cây giống keo nhập ngoại (Úc) với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích trồng từ 5 ha trở lên. Hoàn thiện việc giao cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân.
HOÀNG QUÝ