Cuối năm, khi miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh tăng cường, chúng tôi lên Điểm cao 820. Gọi là Điểm cao 820 vì nơi đây có độ cao 820m so với mực nước biển, là điểm cao nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Lạng Sơn.
Từ Đồn Biên phòng Pò Mã lên Điểm cao 820 phải vượt quãng đường 15km đèo dốc cheo leo, tuy đã được đổ bê tông nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Lên đến chốt Biên phòng trên Điểm cao 820, sương mù đặc quánh, người với người chỉ đứng cách nhau 2m cũng không nhìn thấy nhau.
Trung úy Triệu Hồng Sang, dân tộc Dao, quê ở Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) đã 2 năm trực Tết ở Điểm cao 820 cho biết, Mẫu Sơn quê anh cũng lạnh buốt, nhưng không thể sánh với cái buốt ở nơi này. Anh bảo, những buổi tuần tra, giá lạnh xuyên thấu da thịt, đụng vào đâu cũng thấy giá rét, nước đóng thành băng, quần áo giặt cả tuần không khô được.
“Làm nhiệm vụ tại địa bàn đặc biệt khó khăn, nguy hiểm như thế nên các chiến sĩ càng yêu thương đùm bọc nhau, đoàn kết, vơi đi nỗi nhớ nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, anh Sang nói.
Còn Binh nhất Hoàng Vũ Tập, sinh năm 1999, quê xã Thanh Long (huyện Văn Lãng) thì tâm niệm: Mặc dù phải làm việc trong thời tiết rất khắc nghiệt nhưng được giao nhiệm vụ chúng em cảm thấy vinh dự, tự hào, coi đây là cơ hội để rèn luyện ý chí. Sự động viên, quan tâm của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn, đã tạo động lực để chúng em yên tâm công tác. Dù phải xa gia đình nhưng chúng em vẫn nguyện chắc tay súng để canh gác biên cương của Tổ quốc.
Rời Điểm cao 820, chúng tôi về lại Đồn Biên phòng Pò Mã. Theo Thượng tá Đào Văn Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã, ngoài nhiệm vụ giữ vững đường biên mốc giới, các chiến sĩ Biên phòng của Đồn luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho bà con các dân tộc nơi đây.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh việc chuẩn bị Tết tại đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cũng đi thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Những món quà đơn sơ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng dành dụm từ tiền lương của các anh tặng đồng bào nghèo góp phần thắt chặt tình quân dân.
Thượng tá Đào Văn Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã cho biết thêm: Năm nào Đồn Biên phòng Pò Mã cũng chuẩn bị sẵn sàng gạo, chăn bông, áo ấm tặng cho bà con. Trong Chương trình áo ấm biên cương vừa diễn ra cuối tháng 12, Đồn đã dành tặng tặng 200 bộ quần áo ấm và 400 thùng mì tôm cho cho các cháu học sinh 2 trường tiểu học ở xã Quốc Khánh và Trường Tiểu học xã Đội Cấn, với tổng trị giá 40 triệu đồng.
Đặc biệt, những hộ gia đình không có khả năng sắm Tết thì các anh gói bánh chưng, tặng thịt lợn để đảm bảo nhà nào cũng có một cái Tết vui tươi, đầm ấm. Vào thời khắc giao thừa, Đồn sẽ tổ chức để người dân, đoàn thanh niên tới Đồn cùng với cán bộ, chiến sĩ ăn bữa cơm thân mật, và chung vui văn nghệ… sau đó, các anh cùng lãnh đạo chính quyền địa phương đi thăm và chúc Tết các gia đình chính sách, người già neo đơn, Người có uy tín trong cộng đồng...
Bác Đinh Hồng Quảng, người dân ở bản Giảo, xã Quốc Khánh cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ 29 - 30 Tết là ông lại cùng với bà con trong thôn mang gạo, lá dong lên Đồn Biên phòng Pò Mã để cùng Bộ đội gói bánh chưng. Gạo trong Đồn không thiếu, ông Quảng hiểu điều đó, nhưng tấm lòng của đồng bào với Bộ đội là thế, nghĩa tình quân dân thắm thiết, bà con dân tộc nơi đây luôn coi Đồn Biên phòng là nhà.
Tạm biệt Điểm cao 820 và Đồn Biên phòng Pò Mã khi đã xế chiều, chúng tôi mang về xuôi niềm mến yêu, cảm phục sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây. Vượt qua những khó khăn, các anh đã và đang cùng lực lượng vũ trang cả nước canh giữ bình yên cho Tổ quốc, để nhà nhà, người người vui Xuân, đón Tết.