Ngày 8/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó đến nay, các địa phương trên cả nước đã chủ động thực hiện hiệu quả quyết định này.
Những chuyển biến rõ nét
Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, đa số các đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được nhiệm vụ hàng năm để thực hiện theo đúng quy định. Các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã được niêm yết công khai khá đầy đủ, kịp thời.
Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện TTHC. UBND cấp xã, phường đã thực hiện cập nhật, công khai thông tin pháp luật khá đầy đủ, kịp thời; ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGGPL) hàng năm theo đúng quy định pháp luật về PBGGPL. Tổ chức triển khai các hoạt động PBGGPL cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức phù hợp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Ông Dương Văn Phong - Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: Nhờ có sự tuyên truyền PBGGPL tích cực của các cơ quan, ban, ngành nên từ năm 2021 trở lại đây, ở xóm Đồng Tâm không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, người dân đã nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật, nên đã chú trọng giáo dục, dạy bảo con cái thực hiện tốt chính sách dân số, không tảo hôn…
Theo đánh giá của tỉnh Thái Nguyên, kết quả của công tác triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 162/178 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 91%. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn cao như Tp. Sông Công, Tp. Phổ Yên, huyện Định Hóa.
Tương tự, tại tỉnh Bình Định, việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thời gian qua cũng đạt được những kết quả rất cụ thể. Việc triển khai xây dựng, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đã được UBND các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tương đối nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định pháp luật.
Tính riêng trong năm 2021, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã công nhận 154 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 98,09% so với năm 2020. Trong đó, có các huyện, thị xã có 100% xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Ân, An Lão.
Ngoài ra, năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 5 xã (Mỹ Thành, Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), Bình Tân, Bình Thành (huyện Tây Sơn) và 1 huyện là Tuy Phước đạt tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới…
Thái Nguyên và Bình Định chỉ là hai trong số các tỉnh miền núi trên cả nước triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc nghiêm túc quyết liệt trong chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có tác động trực tiếp, hiệu quả đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã.
Vẫn còn những hạn chế, vướng mắc
Qua đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp chính quyền cấp xã trong phạm vi cả nước thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cũng như công tác thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc trển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương trên cả nước trong đó có vùng DTTS và miền núi vẫn còn tồn tại những vướng mắc, hạn chế đòi hỏi phải tháo gỡ trong thời gian tới.
Trong đó, phải kể đến việc chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về kinh phí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như việc đưa kết quả đạt chuẩn tiếp cận trở thành một tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm đối với cơ sở là một rào cản. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do thiếu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiếu kinh phí cho công tác hòa giải cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật…
Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền cấp xã, phường về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng cấp xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế. Nhiều xã, phường không tập trung xây dựng các tiêu chí một cách thực chất, bền vững mà chủ yếu tập trung vào việc đánh giá để phục vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc để bảo đảm số lượng dẫn đến đánh giá chưa khách quan, chính xác tại một số địa phương…
Do đó, trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc trển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả cao nhất và đi vào thực chất.
Bài 2: Những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc