Là 1 trong 62 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ và có 6 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hầu hết các xã của huyện đều có xuất phát điểm thấp, mặt bằng chung toàn huyện chỉ đạt bình quân 5 - 6 tiêu chí/xã; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo chỉ đạt trên 21%; thu nhập bình quân đầu người ở các xã chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 40%…
Ông Bùi Huy Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết, với xuất phát điểm thấp, mục tiêu xây dựng NTM được huyện đặc biệt coi trọng, nhất là tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Đây là 2 tiêu chí tác động tích cực để hoàn thành các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Theo đó, để giải quyết vấn đề thu nhập và giảm hộ nghèo hướng tới giảm nghèo bền vững, Tân Uyên xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và có tính quyết định. Huyện đã đầu tư tối đa vào phát triển sản xuất để khai thác các thế mạnh, các sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn với một số sản phẩm đặc trưng, như: Cây chè, cây lúa, cây mắc ca, cây quế. Đồng thời, liên kết phát triển và mở rộng quy mô nuôi cá lòng hồ thủy điện, nuôi thỏ New Zealand…
Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển giao thông nông thôn cũng được huyện xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế để về đích NTM theo lộ trình.
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã thực hiện đầu tư nâng cấp, mở mới được 302,25km đường giao thông nông thôn, tạo nên diện mạo nông thôn tại các xã, thôn, bản có nhiều khởi sắc, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên. Cụ thể: Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 26 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 9,37% (giảm 30% so với năm 2011); tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98% (tăng 5,2% so với năm 2011); tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 43,6% (tăng 21,98% so với năm 2011); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,09%, (tăng 33,1% so với năm 2011); tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,67%, tăng 22,67% so với năm 2011…
Tính đến hết năm 2019, huyện Tân Uyên đã có 8/9 xã đạt chuẩn xã NTM, phấn đấu hết năm 2020 sẽ có 9/9 xã và toàn huyện đạt chuẩn NTM. Trong 9 xã này, Nậm Sỏ là xã duy nhất chưa về đích NTM với 6/19 tiêu chí chưa đạt: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, môi trường và hộ nghèo. Trong đó, tiêu chí thu nhập được coi là khó khăn, bởi tính đến hết năm 2019, Nậm Sỏ mới đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,1%.
Để bảo đảm mục tiêu về đích NTM đúng lộ trình, đúng hẹn vào cuối năm 2020, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Nguyễn Sỹ Cảnh cho biết, huyện sẽ tăng cường đề cao trách nhiệm vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Những xã đã đạt chuẩn NTM sẽ tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, gắn sản xuất với thị trường, nhằm tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.