Với việc tập trung thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở tất cả các địa phương, dự kiến đến năm 2026, tỉnh Điện Biên sẽ có trên 2.400ha diện tích nông nghiệp tham gia cánh đồng lớn với tỷ lệ hộ dân tham gia thụ hưởng là gần 9.600 hộ. Các địa bàn tham gia trọng điểm gồm 4 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ.
Theo đó, việc phân vùng sản xuất cũng được cụ thể hóa đối với các loại cây trồng theo từng giai đoạn ở các địa phương khác nhau như: sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giáo với diện tích khoảng 570ha; sản xuất ngô tập trung tại Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên với diện tích gần 1.000ha; chè, cà phê tại Mường Ảng với tổng diện tích gần 600ha…
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Phát triển mô hình cánh đồng lớn là việc làm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, cùng chủng loại, thuận lợi cho việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã xác định nhiều nhiệm vụ cụ thể để thực hiện việc này trong năm 2018 đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp. Trước hết là tập trung vào xây dựng cánh đồng lớn ở các địa phương để tạo ra được lượng hàng có chất lượng và khối lượng đảm bảo theo yêu cầu. Trong chăn nuôi thì tập trung vào phát triển đàn bò, lợn cắp nách... Lâm nghiệp thì tập trung vào việc bảo vệ phát triển rừng.
Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có thế mạnh hơn cả so với các địa phương khác của tỉnh Điện Biên trong việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn. Hiện nay, địa phương này đang triển khai Dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa (IR64 và Bắc thơm số 7) đầu tiên của tỉnh tại xã Thanh Yên với quy mô 31ha, kinh phí thực hiện hơn 12,6 tỷ đồng.
Dù triển khai thực hiện lần đầu tiên, song người dân được hỗ trợ rất nhiều về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình cụ thể, cùng với việc thực hiện liên kết “4 nhà” nên vụ mùa năm 2017 năng suất, sản lượng thóc của dự án cánh đồng lớn tăng cao (đạt gần 200 tấn), nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Nhờ việc chủ động, chú trọng trong khâu quảng bá, tìm thị trường cho sản phẩm ngay từ khi triển khai dự án mà sản phẩm gạo chất lượng tại cánh đồng cũng đã được đưa vào tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên…
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết, việc mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng với 800m hệ thống mương nội đồng, hơn 1,6km giao thông nội đồng bằng bê tông, san lấp, cải tạo mặt bằng ruộng đồng và đầu tư 5 giếng khoan phục vụ tưới sản xuất đã đem lại hiệu quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn. Từ đó, càng khẳng định được việc xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững hiện nay.
Tiếp bước của những khởi đầu thắng lợi của mô hình cánh đồng lớn trong vụ mùa năm 2017 tại huyện Điện Biên, vụ Đông Xuân 2017-2018, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 6 mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 200ha tại huyện Ðiện Biên và Tủa Chùa với các giống lúa: Bắc thơm số 7, IR64 và Vai gãy. Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng được nhân rộng có hiệu quả như mong muốn, thì vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết ngay trước mắt đó là việc quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và công tác thông tin tuyên truyền vận động nông dân tham gia cần được quan tâm hơn nữa để tạo sự đồng thuận, vào cuộc từ nhiều phía.
VŨ LỢI