Theo quan điểm của UNESCO và nhiều nước trên thế giới, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian. Trong tổng số 25 di sản được UNESCO công nhận, Việt Nam tự hào có 8 di sản được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Con số này không lớn nếu so với các quốc gia có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: Trung Quốc (48), Pháp (41), Tây Ban Nha (39), Ðức (38), Ấn Ðộ (35)…Tuy nhiên, Việt Nam được xem là một trong các quốc gia “giàu có” về di sản ở khu vực và châu Á.
Có thể nói, trong thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Năm vừa qua, các di sản thế giới của Việt Nam đã thu hút 15,76 triệu lượt khách, trong đó có hơn 6,5 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu khoảng 1.456 tỷ đồng. Ngoài nguồn lợi có thể đong đếm được từ phát triển du lịch thì di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đem lại một nguồn lợi vô hình và hết sức to lớn, đó là đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo những giá trị toàn cầu, cũng như quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản. Cùng với đó, Việt Nam có đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa. Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong phát triền được ghi nhận là “một yếu tố quan trọng và là tác nhân cho sự phát triển bền vững” trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 20112020. Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý quốc gia phù hợp với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm Luật Di sản Văn hóa được sửa đổi năm 2009 và Nghị định số 109/2017/NĐCP gần đây của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Luật Di sản Văn hóa dự kiến sẽ được sửa đổi trong chu kỳ 10 năm vào năm 2019.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá: Việt Nam là một trong những nước thành viên tích cực nhất trong khu vực Đông Nam Á với 8 di sản được đề cử và tham gia tích cực vào việc xây dựng Chính sách UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững. Cho đến nay, Việt Nam đã 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO. Thông qua công tác điều phối các hoạt động liên quan đến quan hệ Việt Nam- UNESCO nói chung và trên lĩnh vực di sản nói riêng, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, chủ động, đóng góp ý tưởng, chất xám đối với UNESCO. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 - 2017), qua đó tham gia vào việc định hình các chính sách, chiến lược, chương trình của UNESCO liên quan đến bảo tồn di sản; đóng góp vào việc quản lý các di sản văn hóa, thiên nhiên trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia định hình luật chơi chung, mở ra một hướng đi mới đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể khi đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ hát Xoan để chuyển từ danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản đại diện của nhân loại (năm 2017). Đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 xem xét và thông qua việc chuyển một hồ sơ từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện của nhân loại.
Có thể thấy, trong tiến trình bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản thế giới, xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và chủ động. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, có nhiều thách thức ngày càng tăng đối với tính bền vững của di sản thế giới do phát triển du lịch, mất cân bằng trong bảo tồn và phát triển, thương mại hóa các lễ hội văn hóa, sự biến tướng của các phong tục văn hóa, khoảng cách nới rộng trong chia sẻ lợi ích…
Vì vậy, xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới ngày càng phải hướng tới sự phát triển bền vững của di sản. Việt Nam cần thiết có những nhìn nhận và đánh giá về hiện trạng tại các di sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia tích cực các chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc và Khung các Mục tiêu phát triển bền vững...
THANH HUYỀN