Theo Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh, Cát Tiên là VQG đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh của IUCN. Sự công nhận này thể hiện cam kết của đơn vị trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Kết quả này có được sau quá trình đánh giá toàn diện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Đồng thời, đây là sự ghi nhận về công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Cát Tiên là VQG đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh của IUCN. Sự công nhận này thể hiện cam kết của đơn vị trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Thịnh Giám đốc VQG Cát Tiên
Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết, châu Á chiếm 50% số lượng các VQG và khu bảo tồn được công nhận danh hiệu Danh lục Xanh trên toàn cầu. Cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục Xanh (từ năm 2015). Việc VQG Cát Tiên đạt danh hiệu này đã đánh dấu bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Để được công nhận danh hiệu Danh lục Xanh IUCN, VQG Cát Tiên đã dành nhiều năm nỗ lực, bắt đầu với việc đánh giá các biện pháp bảo tồn, bao gồm bảo vệ các loài đang nguy cấp và gìn giữ sự đa dạng của hệ sinh thái. VQG đã tiến hành thực hiện các dự án phục hồi giám sát đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và bảo tồn loài. Thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra bảo vệ và giám sát động vật hoang dã. Đội ngũ nhân viên của VQG thường xuyên được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn để quản lý và bảo vệ hiệu quả khu vực này.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên cũng như 20 khu vực dự án khác điều tra đa dạng sinh học với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Dự án đã thành lập các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng; thiết lập một cơ chế quản lý hợp tác để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn.
Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ các khu bảo tồn ở Việt Nam tham gia tiến trình đánh giá Danh lục Xanh của IUCN. Ngoài VQG Cát Tiên, các khu bảo tồn thuộc dự án được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này bao gồm: VQG Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũ Quang, Bạch Mã, Sông Thanh, Bidoup - Núi Bà và Khu Dự trữ Thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.
VQG Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, Cát Tiên, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cách TP. Hồ Chí Minh 150 km về phía Bắc. VQG Cát Tiên có tổng diện tích 71.920 ha, hiện là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, là “ngôi nhà” của 300 loài chim (chiếm gần 50% số loài tại Việt Nam) và hơn 450 loài bướm (chiếm hơn 50% số loài tại Việt Nam). Nơi đây còn có trạm cứu hộ gấu nằm trên đảo Tiên (có diện tích là 57 ha) với nhiều loài động vật quý hiếm như vượn đen má vàng, voọc bạc, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ...
Đặc trưng của VQG Cát Tiên là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Vườn được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13/1/1992 của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 360/TTg, ngày 7/7/1978 của Thủ tướng chính phủ) và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, Cát Tiên, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cách TP. Hồ Chí Minh 150 km về phía Bắc. VQG Cát Tiên có tổng diện tích 71.920ha, hiện là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, là “ngôi nhà” của 300 loài chim (chiếm gần 50% số loài tại Việt Nam) và hơn 450 loài bướm (chiếm hơn 50% số loài tại Việt Nam). Nơi đây còn có trạm cứu hộ gấu nằm trên đảo tiên (có diện tích là 57ha) với nhiều loài động vật quý hiếm như vượn đen má vàng, voọc bạc, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ...