Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Những năm qua, bằng hành động cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới đến nay đã tương đối toàn diện, gồm: Luật Bình đẳng giới (2006), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, các Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 đều có quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, còn có một số chính sách đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025 theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017…
Giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ DTTS, được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đòng bào DTTS và miền núi, với Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu của các chính sách này nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS.
Sau khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc tiến hành phân tích sâu hơn, từ góc độ bình đẳng giới từ kết quả điều tra này. Số liệu phân tích được công bố hồi tháng 8/2021, đã cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%. Đặc biệt, hiện nay, phụ nữ không những dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống, mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh DTTS tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều.
“Tập trung và sinh động nhất quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm sự bình đẳng giới là sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực vào bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ”.
TS. Phạm Vũ Hoàng
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)
Số liệu điều tra cho thấy, hiện nam DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết là 86,3%, còn tỷ lệ nữ DTTS là 73,4%. Điều này góp phần làm gia tăng đáng kể Chỉ số bình đẳng giới trong các trụ cột về tăng trưởng toàn diện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chia sẻ tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” được tổ chức ngày 10/10/2022, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khẳng định, giáo dục là một quyền cơ bản của con người, mọi trẻ em, cả bé gái và bé trai đều có quyền đi học, học hỏi và phát triển. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được thể hiện nhất quán, liên tục trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam.
“Việc trẻ em gái ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được đi học không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân, tạo rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai, còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Do đó, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là không thể bỏ qua, vì sự tiến bộ của phụ nữ DTTS càng cần được quan tâm đặc biệt”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Xóa bỏ rào cản
Theo đánh giá của UN Women, trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực cụ thể, chỉ số bình đẳng giới tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.
Đặc biệt, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị cơ sở. Nhiệm kỳ 2020 – 2020, theo tổng hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16% (tăng 02% so với cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020). Tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; 35 tỉnh có tỷ lệ cấp ủy viên là nữ từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với nhiệm kỳ trước); trong đó cao nhất là tỉnh Tuyên Quang với tỷ lệ cấp ủy viên là nữ chiếm tỷ lệ 29,2%.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức là nữ người DTTS cũng không có sự chênh lệch nhiều so với nam giới ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, tại các địa phương trên cả nước hiện có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; trong đó nữ chiếm tỷ lệ 49,2%.
Bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn được thể hiện rõ ở tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) của phụ nữ DTTS. Kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên là người DTTS là 83,3% (trong đó nam là 87,2%, nữ 79,4%), cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 76,2% (nam 81,1% và nữ 71,4%).
Mặc dù đại đa số phụ nữ lao động giản đơn, nhưng với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề được triển khai, tỷ lệ lao động nữ DTTS có chuyên môn kỹ thuật (CMKT) đã tăng lên, chiếm 8,9% tổng số lao động nữ DTTS (lao động nam DTTS có CMKT cũng chỉ chiếm 11,7%). Như vậy, so với năm 2015, tỷ lệ lao động nữ DTTS có CMKT tăng 3,2 điểm phần trăm). Đáng chú ý, ở trình độ cao đẳng và đại học, mặc dù tỷ lệ LLLĐ nữ DTTS đạt trình độ này cũng rất thấp, tương ứng là 2,0% và 3,1%; tuy nhiên vẫn cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của LLLĐ nam DTTS là 1,5% và 3,0%.
Kết quả phân tích sâu về bình đẳng giới kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của UN Women công bố hồi tháng 8/2021 còn cho thấy sự khác biệt về thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng khi xem xét theo giới tính chủ hộ. Theo đó, năm 2018, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình DTTS do nữ làm chủ hộ là 2.798 nghìn đồng/người/tháng; cao hơn khoảng 938 nghìn đồng/người/tháng so với các hộ gia đình DTTS do nam làm chủ (1.860 nghìn đồng/người/tháng). Mức chênh lệch này khá cao (1,5 lần) nếu so với mức chênh lệch tương ứng của hộ gia đình người Kinh chỉ là 1,1 lần.
“Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì những vấn đề DTTS và thúc đẩy bình đẳng giới, và trao quyền cho phụ nữ DTTS ở vùng DTTS và miền núi là không thể bỏ qua vì sự tiến bộ của phụ nữ càng cần được quan tâm đặc biệt”, Báo cáo phân tích bình đẳng giới của UN Women khẳng định.
Vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được khẳng định đã góp phần cải thiện chỉ tiêu về bình đẳng trong tăng trường toàn diện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những cải thiện rõ nét về chỉ tiêu về điều kiện sống cơ bản và an sinh xã hội.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.