Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ II - năm 2014 đến nay, đã có 29 danh mục chính sách, dự án, chương trình được đầu tư cho vùng đồng DTTS của tỉnh số, với tổng vốn trên 2.017 tỷ đồng. Ngoài ra, vùng DTTS và miền núi tỉnh Bình Định cũng đã đầu tư xây dựng trên 700 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, với tổng vốn trên 2.000 tỷ đồng; nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho đồng bào và vùng miền núi tới nay cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Hầu hết những chính sách được triển khai trong thời gian qua đều phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như việc chuyển giao kỹ thuật, cập nhật thông tin khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn chu đáo, lại được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ thậm chí còn đạt mức khá giả.
Trường hợp thoát nghèo của hộ bà Đinh Thị Xuân, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) là một minh chứng rõ nét. Sau khi được tư vấn về ngành nghề, hướng dẫn kỹ thuật, bà Xuân được vay vốn từ Chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển từ nuôi bò cỏ sang nuôi bò lai, mở rộng quy mô canh tác. Hiện, thu nhập từ đàn bò lai cộng với trồng keo lai, mì cao sản, trồng cây ăn quả và buôn bán tạp hóa đem lại cho gia đình bà thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Đinh Văn Líp, ở xã BókTới (huyện Hoài Ân) trước đây chỉ biết trồng cây mì, cây chuối với thu nhập thấp do giá cả thị trường biến động. Năm 2006, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng keo lai, ông Líp kiếm được khoản vốn nhỏ, sửa sang lại nhà cửa và mua bò giống nuôi.
Theo ông Đinh Văn Lung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cho biết: Kết quả từ sự đầu tư của các chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô bê tông hoặc nhựa đến trung tâm xã. 88% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn. 94,9% số làng dùng điện lưới quốc gia. 98% số hộ dùng điện thường xuyên, an toàn. 55% số thôn có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất. 98% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. 97,2% số hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Khẳng định những kết quả trong lĩnh vực công tác dân tộc thời gian qua đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng từ những phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của đồng bào miền núi, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc sản xuất giỏi, không ít những già làng, trưởng bản đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Bình Định trong giai đoạn tới là phát triển vùng DTTS toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và miền xuôi.
LTS: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thế và vận nước đang lên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội XII của Đảng.
Từ tháng 3/2020, Báo Dân tộc và Phát triển mở Chuyên mục “Chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Chuyên mục thông tin về đại hội đảng bộ các cấp; đăng tải ý kiến của các tầng lớp Nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; nhìn lại thành quả từ một nhiệm kỳ đại hội đảng ở các cấp trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng; nhất là ở các địa phương vùng DTTS và miền núi.